Sau dịch COVID-19, du lịch chăm sóc khỏe ngày càng được du khách quan tâm và lựa chọn. Mô hình này được nhiều quốc gia quan tâm trong đó có cả Việt Nam với những lợi thế về nguồn tài nguyên dược liệu và trình độ phát triển y tế, năng lực hợp tác quốc tế.
Các khách mời tham gia Tọa đàm. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Ngày 25/11, Tọa đàm Phát triển du lịch y tế - thẩm mỹ công nghệ cao Nhật Bản Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản đã được tổ chức thu hút sự tham gia đông đảo của các công ty lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Tại Nhật Bản, lĩnh vực này đã thu hút đông đảo du khách tại nhiều quốc gia đến khám chữa bệnh, làm đẹp và du lịch, nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các cơ quan chức năng của Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản và Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Phú Bình cho biết, ở đất nước có rất nhiều điều thú vị như Nhật Bản thì việc du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe à một điều rất tuyệt vời. Đặc biệt, ở Nhật Bản hạn chế dùng thuốc mà chú ý tập trung vào điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt hằng ngày để tăng cường sức khỏe…
Theo ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành nhu cầu tất yếu ngày càng tăng của khách du lịch khi kết hợp đi du lịch và chăm sóc sức khỏe, để vừa trải nghiệm vừa bảo đảm sức khỏe.
Hiện nay, một số địa phương đang triển khai tốt các sản phẩm du lịch y tế như TPHCM đang thúc đẩy xúc tiến du lịch nha khoa. Việt Nam có nhiều lợi thế về tay nghề bác sĩ, sự chuyên nghiệp của đội ngũ y tế, công nghệ cao… ngoài ra cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như suối khoáng, phong cảnh đẹp có thể kết hợp các chương trình du lịch gắn với tự nhiên và chăm sóc sức khỏe, y tế.
Cùng với đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai tốt loại hình du lịch y tế này, đây là cách vừa giao lưu, vừa học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền y tế tiên tiến, phát triển về sản phẩm y tế để chúng ta áp dụng, nhất là phát huy y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án về phát triển y dược cổ truyền phục vụ du lịch. Do đó, hy vọng trong thời gian tới chúng ta có thế phối hợp giữa du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe tăng trải nghiệm của khách du lịch, làm sao để thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho thu nhập của cộng đồng dân cư được tăng thêm.
"Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng khuyến nghị các địa phương dựa trên lợi thế của mình về dược liệu, suối khoáng, điều kiện tự nhiên phong phú… phát triển thành các dược phẩm kết hợp với các chương trình tour để khách du lịch có những trải nghiệm thú vị và có thời gian chăm sóc sức khỏe. Việc gắn lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, chắc chắn du lịch chăm sóc sức khỏe thời gian tới sẽ phát triển và đạt hiệu quả", ông Nguyễn Quý Phương nói.
Tọa đàm cũng chia sẻ về loại hình du lịch kết hợp y tế và thẩm mỹ công nghệ cao, tính thời sự của loại hình này, những giá trị mang lại cho khách hàng. Các đại biểu cũng được nghe các cơ cấu quản lý, thông tin giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, công ty lữ hành cần phối hợp như thế nào với cơ quan nhà nước để mang lại hiệu quả trong việc triển khai loại hình du lịch kết hợp y tế và thẩm mỹ; các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ về những loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản…
Theo baochinhphu.vn