Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt”, chính thức đưa ga đường sắt Đà Lạt trở thành điểm du lịch trên bản đồ du lịch quốc gia.
Du khách tham quan, trải nghiệm Ga đường sắt Đà Lạt.
Chiều 11/7, tại nhà ga Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức công bố quyết định công nhận điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt”.
Phát biểu tại lễ công bố, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên cho rằng, cùng với những sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng, như tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, hội nghị-hội thảo… Đà Lạt còn hấp dẫn du khách bởi những di sản văn hóa độc đáo. Trong đó, Ga đường sắt Đà Lạt là một phần không thể thiếu trong lịch sử phát triển của Đà Lạt và miền trung-Tây nguyên. Ga đường sắt Đà Lạt không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc, mà là nơi ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng trao quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” cho đại diện ngành đường sắt Việt Nam. |
Ngày 21/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định công nhận điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” (số 1 Quang Trung, phường 10, thành phố Đà Lạt; đơn vị quản lý là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam).
Theo đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Du lịch và quy định pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh du lịch tại Điểm du lịch "Ga đường sắt Đà Lạt".
Du khách ghi hình lưu niệm với toa xe lửa ga Đà Lạt. |
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn cho biết, với mong muốn đưa Ga Đà Lạt trở thành điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản, những năm gần đây, cùng với đổi mới nâng cấp nhà ga, ngành đường sắt đã đầu tư nâng cấp, phát triển các sản phẩm vận tải trên tuyến Đà Lạt-Trại Mát để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh, tạo điểm nhấn về du lịch, như: phát động phong trào “đường tàu, đường hoa”, khai trương “hành trình đêm Đà Lạt” trên tàu lửa cổ… Qua đó, đã thu hút du khách tham quan và đi tàu.
6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến ga, đi tàu hơn 275,2 nghìn lượt, bằng 111,6% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, du khách đi du lịch tàu hỏa Đà Lạt-Trại Mát hơn 138 nghìn lượt, bằng 194% so cùng kỳ năm ngoái.
Du khách tham quan ga Đà Lạt. |
Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938, ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Đây là ga đầu mối trên tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt trước đây.
Nhà ga là công trình kiến trúc độc đáo, lấy cảm hứng thiết kế từ dãy núi Langbiang và mái nhà rông Tây Nguyên. Đây là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đô thị xứ ngàn hoa và được xem là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Đông Dương.
Nhà ga Đà Lạt về đêm. |
Hiện nhà ga Đà Lạt được sử dụng phục vụ du lịch, với tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát dài 7km, giúp du khách ngắm vẻ đẹp phố núi cả ban ngày và ban đêm. Trong đó, với chuyến tàu đêm từ ga Đà Lạt-ga Trại Mát, du khách được thưởng thức âm nhạc và tiệc tối theo yêu cầu.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương dịch vụ “Hành trình đêm Đà Lạt” trên tàu lửa cổ. |
Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc, văn hóa, Ga Đà Lạt được xếp hạng di tích kiến trúc cấp quốc gia năm 2001 và trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá, trải nghiệm thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
Với chuyến tàu đêm Đà Lạt-Trại Mát, du khách được thưởng thức âm nhạc và tiệc tối theo yêu cầu. |
Hiện, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang xây dựng phương án triển khai hoạt động đầu tư và khai thác, phục vụ khách du lịch tại ga Đà Lạt gồm 12 hạng mục. Trong đó, phục dựng toàn bộ các phòng chức năng đã được phân khu từ thời kỳ nhà ga mới xây dựng và đưa vào sử dụng, khu ẩm thực trên ke ga; đầu tư thêm toa xe để chạy tàu tuyến Đà Lạt-Trại Mát và tổ chức chạy tàu đón bình minh, ngắm cảnh thành phố Đà Lạt…
Theo nhandan.vn