Đổi mới cách phục vụ để thu hút du khách Halal

Thứ 3, 22.04.2025 | 09:40:33
282 lượt xem

Du lịch Halal được ví như một chân trời đầy cơ hội bởi người Hồi giáo là phân khúc tiêu dùng phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam đang chuyển mình để đón dòng du khách này nhưng có khá nhiều việc phải làm, bởi du lịch Halal có những đặc trưng khá riêng biệt.

Việt Nam còn bỡ ngỡ với du lịch Halal

Halal là một khái niệm còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Thực tế, Halal là một thuật ngữ trong tiếng Arab có nghĩa là "được phép" hoặc "hợp pháp". Halal không chỉ áp dụng cho thực phẩm mà còn bao gồm các khía cạnh khác của cuộc sống như tài chính, trang phục, hành vi... theo giáo lý của đạo Hồi. Du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, bảo đảm các dịch vụ du lịch cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi. Qua tính toán, với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, du lịch Halal đang phát triển nhanh chóng với phân khúc chi tiêu cao, giá trị thị trường du lịch Halal toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 266 tỷ USD, năm 2024 ước đạt 276 tỷ USD và tới năm 2030 có thể đạt tới 350 tỷ USD. Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội cho biết, du lịch Hồi giáo đang là xu hướng toàn cầu, đóng góp ngày càng quan trọng vào ngành du lịch của nhiều quốc gia. Ngay trong khu vực ASEAN, các nước Singapore, Thái Lan... đã sớm nắm bắt xu thế và đang trở thành những quốc gia đón lượng khách du lịch Hồi giáo nhiều nhất thế giới.

Đổi mới cách phục vụ để thu hút du khách Halal

Giới thiệu chè Việt Nam cho khách dòng Halal. 

Nhận thức Halal là một thị trường đầy tiềm năng mà Việt Nam cần chủ động tiếp cận, ngày 14-2-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Năm 2024, Việt Nam thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia; công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia liên quan tới các sản phẩm, dịch vụ dành cho người Hồi giáo. Ngành du lịch Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến, quảng bá du lịch để thúc đẩy phát triển thị trường khách Hồi giáo đến Việt Nam.

Tuy nhiên, dịch vụ phục vụ cho Halal của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, khiến du lịch Việt kém sức hút với dòng khách theo đạo Hồi. Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam nói: “Du lịch thân thiện với người Hồi giáo cần có những tiêu chí riêng. Trong đó có các tiêu chí cơ bản như: Thực phẩm đạt chuẩn Halal, cơ sở vật chất phục vụ cầu nguyện, các dịch vụ liên quan đến tháng Ramadan (bữa ăn xả chay), sự riêng tư trong hoạt động giải trí (phân chia khu vực dành cho nam và nữ), tour du lịch gia đình. Một trong những trở ngại khi đi du lịch của người Hồi giáo là đồ ăn. Đồ ăn của Việt Nam rất ngon nhưng vì không đáp ứng tiêu chuẩn Halal nên chúng tôi không thể sử dụng. Chúng tôi muốn được thưởng thức ẩm thực địa phương, chúng tôi cũng muốn uống cà phê Việt Nam nhưng mong là Việt Nam có những cơ sở phục vụ đạt tiêu chuẩn Halal cho người Hồi giáo”.

Chủ động tạo hệ sinh thái về du lịch Halal

Việc khai thác thị trường Halal không chỉ là đón đầu xu thế toàn cầu mà còn là một chiến lược tăng trưởng bền vững, giúp Việt Nam mở rộng cánh cửa ra thế giới Hồi giáo. Để làm được điều này, trước tiên, Việt Nam cần có những hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Halal. Ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam cho rằng: “Cách đối xử với người Hồi giáo rất quan trọng. Thế nhưng thông tin về đạo Hồi ở Việt Nam không chính xác 100%, không phản ánh hoàn toàn sự thật về văn hóa, cách ứng xử, tư duy, suy nghĩ của người Hồi giáo. Nếu hiểu biết về cách ứng xử, chúng ta sẽ biết có thể tặng quà gì cho người Hồi giáo hay bắt đầu câu chuyện như thế nào... Nhận thức sâu sắc giúp phát triển mối quan hệ Việt Nam và các nước Hồi giáo”. Đồng tình với quan điểm này, ngài Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam cho rằng: “Người Hồi giáo không chỉ coi Hồi giáo là một tôn giáo mà còn là cách giao lưu, ứng xử. Du khách Hồi giáo kỳ vọng được tôn trọng, chào đón và đáp ứng các nhu cầu về ăn uống, cầu nguyện và các hoạt động tôn giáo khi đến Việt Nam. Nếu các nhu cầu này được đáp ứng một, họ sẽ đáp lại bằng cách ủng hộ và hỗ trợ cộng đồng địa phương gấp 10 lần”.

 Để phát triển du lịch, đón du khách Hồi giáo, Việt Nam cần hệ sinh thái Halal gồm sản phẩm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ để du lịch Halal phát triển. Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội chia sẻ: “Sở Du lịch TP Hà Nội cũng đang xây dựng lộ trình chiến lược để biến Thủ đô thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo. Theo kế hoạch đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện, trong đó ưu tiên hình thành các khu vực thân thiện với người Hồi giáo tại các quận trung tâm. Thành phố cũng hướng tới việc nâng cao năng lực phục vụ trong ngành lưu trú và ẩm thực, với chỉ tiêu đến năm 2030 có ít nhất từ 10 đến 20 khách sạn đạt chuẩn phục vụ du khách Hồi giáo, đồng thời khoảng 30% nhà hàng tại khu vực trung tâm có khả năng cung cấp món ăn đạt tiêu chuẩn Halal. Hà Nội cũng tăng cường triển khai các chương trình tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp trong ngành du lịch, phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành hướng đến xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phục vụ thị trường Halal”.

Giữa tháng 4-2025, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thành lập Trung tâm đào tạo Halal nhằm triển khai các khóa học cơ bản và nâng cao về Halal, giới thiệu chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 về du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Trường cũng đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm hợp tác trong đào tạo, cung cấp cơ hội thực hành nghề, phát triển sản phẩm dịch vụ theo chuẩn Halal và đồng hành quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường Hồi giáo quốc tế. Tiến sĩ Aemin Nasir, chuyên gia Pakistan, Đại học RMIT Việt Nam gợi ý thêm: “Việt Nam nên cân nhắc làm một cuốn sổ tay hướng dẫn du lịch Hà Nội để hướng dẫn du khách về các khu vực, các nhà hàng có Halal, những địa điểm có thể cầu nguyện cho người Hồi giáo”.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/doi-moi-cach-phuc-vu-de-thu-hut-du-khach-halal-824999

  • Từ khóa