Những tuyên bố tích cực của hai bên đã phần nào xóa tan những đồn đoán về một cuộc chiến tranh biên giới có thể xảy ra giữa hai cường quốc châu Á.
Ngay sau tuyên bố “bật đèn xanh” của Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ thông qua đàm phán.
Những tuyên bố tích cực của hai bên đã phần nào xóa tan những đồn đoán về một cuộc chiến tranh biên giới có thể xảy ra giữa hai cường quốc châu Á. Ảnh: Getty |
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bày tỏ hy vọng, tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn.
“Trung Quốc đang thực thi sự đồng thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận liên quan đã ký giữa hai nước. Chúng tôi cam kết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như sự ổn định dọc biên giới Trung - Ấn. Cục diện chung dọc biên giới Trung - Ấn hiện đã ổn định và được kiểm soát. Tuy nhiên các kênh truyền thông ngoại giao và quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề biên giới vẫn đang được để ngỏ. Chúng tôi tin rằng, hai bên có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề biên giới thông qua đối thoại và tham vấn”, ông Triệu Lập Kiên nói.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 30/5 tuyên bố, Ấn Độ sẽ không để “niềm tự hào bị tổn thương” trong căng thẳng biên giới hiện nay với Trung Quốc nhưng quyết tâm giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng nhấn mạnh Ấn Độ đang cố gắng để đảm bảo “căng thẳng không leo thang”.
Theo nhận định chung của giới phân tích, những tuyên bố theo chiều hướng tích cực của Ấn Độ và Trung Quốc đã phần nào xóa tan những đồn đoán về một cuộc chiến tranh biên giới có thể xảy ra giữa hai cường quốc châu Á, cũng như góp phần giải quyết căng thẳng biên giới chung hiện nay giữa hai nước.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc không phải là mới bởi hai nước chia sẻ đường biên giới chung chưa được xác định dài nhất thế giới và nhiều vùng lãnh thổ chồng lấn. Hầu hết các vụ đụng độ biên giới giữa hai nước đều bắt nguồn từ việc mỗi nước có những cách đánh giá khác nhau về vị trí của cái gọi là Đường Kiểm Soát biên giới Thực Tế (LAC). Tuy nhiên, nhờ nỗ lực ngoại giao giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước, căng thẳng biên giới, thậm chí cả nguy cơ xảy ra chiến tranh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ năm 1962 cũng đã được xóa bỏ.
Cuộc gặp lịch sử vào năm 1980 giữa Thủ tướng Ấn Độ khi đó là ông Razip Gandhi và Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Đặng Tiểu Bình tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cùng hàng loạt thỏa thuận duy trì hòa bình biên giới được ký giữa hai nước những năm 1993, 1996 và 2006 đã giúp cài đặt lại quan hệ ngoại giao Trung - Ấn và góp phần ổn định lại tình hình biên giới chung. Sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền năm 2014, ông tiếp tục cam kết duy trì hòa bình biên giới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh những nỗ lực ngoại giao và cam kết giữa lãnh đạo hai nước, Ấn Độ và Trung Quốc đều là hai cường quốc lớn của châu Á, có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, nhiều mặt, nhất là hợp tác kinh tế với trị giá lên 92 tỷ USD, căng thẳng và xung đột là điều cả hai nước đều không mong muốn, trong bối cảnh hai bên đều đang có một kẻ thù chung là “dịch Covid-19” và đang phải đau đầu đối phó với dịch bệnh./.
Hồng Nhung/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-an-do-tich-cuc-giai-quyet-tranh-chap-lanh-tho-1054991.vov