Bất chấp rủi ro và những bài học lịch sử, nhiều đế chế vẫn bị sa lầy trong cuộc chiến hao tốn tiền của và con người ở Afghanistan.
Afghanistan là nơi từng chứng kiến các cuộc đưa quân đến và rút đi của nhiều đế chế (Ảnh: New York Times).
Afghanistan - "mồ chôn đế chế"
Lịch sử Afghanistan được ghi dấu bởi các cuộc chiến rồi rút lui của các đế chế, nhiều đến mức quốc gia Trung Nam Á này được gọi là "mồ chôn đế chế". Các cuộc chiến này ban đầu có thể rất thành công, nhưng không duy trì được lâu, ngược lại, nó khiến quân đội nước ngoài sa lầy vào một cuộc chiến vô ích, tốn kém thậm chí hàng tỷ USD.
Mỹ và các đồng minh NATO đang đẩy nhanh hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm sa lầy trong cuộc chiến ở đây. Bất chấp việc lực lượng vũ trang Taliban cuối tuần trước giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan, trong đó có thủ đô Kabul kéo theo chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh chóng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/8 tuyên bố, Washington vẫn giữ nguyên kế hoạch hoàn tất rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á này vào cuối tháng 8, kết thúc cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Với quyết định đó, Mỹ không phải là đế chế đầu tiên sa lầy rồi rút khỏi quốc gia được coi là "mồ chôn đế chế" này. Từ đế chế Ba Tư, Vương quốc Macedonia của Alexander Đại đế, đế chế Mông Cổ, đến gần đây hơn là Anh, Liên Xô và Mỹ, tất cả đều nếm "trái đắng" khi đưa quân đến Afghanistan.
Đế quốc Anh đã hai lần đem quân đến Afghanistan vào thế kỷ thứ 19. Sau những thắng lợi ban đầu, người Anh phải đối phó với các cuộc nổi dậy nổ ra khắp nơi, buộc họ cuối cùng phải rút chân khỏi chiến trường Afghanistan sau khi đã thiệt hại hơn 10.000 binh sĩ và một tổn hại vật chất không nhỏ.
Những bài học về sự rủi ro khi can thiệp vào Afghanistan tuy vậy cũng không ngăn cản được Liên Xô triển khai lực lượng quân sự đến Afghanistan nhằm chống lại lực lượng nổi dậy theo đề nghị trực tiếp của chính quyền thân Liên Xô vào năm 1979. Liên Xô nhanh chóng sa lầy trong cuộc chiến chống lực lượng Mujahideen cho đến khi rút hết quân vào tháng 2/1989 và nhận ra rằng không thể đánh bại các thế lực nổi dậy. Cuộc chiến ở Afghanistan có thể coi là một phần nguyên nhân làm đẩy nhanh quá trình tan rã của Liên Xô.
Sau khi Liên Xô rời đi và để lại khoảng trống quyền lực ở Afghanistan, đó cũng là thời điểm Taliban - lực lượng quân sự và chính trị Hồi giáo cực đoan trong khu vực trỗi dậy. Taliban bắt đầu chính thức nắm kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001.
Tháng 10/2001, không lâu sau vụ khủng bố 11/9 nhằm vào tòa tháp đôi ở New York, Mỹ đưa binh sĩ đến Afghanistan trên danh nghĩa chống khủng bố, lật đổ quyền lực của Taliban vì cho rằng lực lượng này dung túng cho trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden thực hiện các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ. Mỹ không lường trước được rằng chiến dịch đó đã kéo họ sa lầy vào một cuộc chiến dài nhất và hao tổn nhất trong lịch sử. Mỹ đã đổ khoảng 2.000 tỷ USD và thiệt hại hơn 2.000 binh sĩ trong cuộc chiến kéo dài 20 năm mà không đạt được mục tiêu đáng kể nào.
Vì sao các đế chế dễ sa lầy ở Afghanistan?
Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm (Ảnh: Reuters).
Tạp chí Diplomat dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, cuộc chiến ở Afghanistan dễ khiến các thế lực bên ngoài sa lầy là bởi Afghanistan có ý nghĩa chiến lược nhưng lại rất khó chinh phục.
Thứ nhất, Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược bậc nhất khu vực, là điểm kết nối Iran, Trung Á, Ấn Độ, và nằm ở trung tâm Con đường tơ lụa. Do vậy, Afghanistan luôn nằm trên "bàn cờ" cạnh tranh của các cường quốc trong nhiều thế kỷ. Đây cũng là nơi có nhiều tộc người với nguồn gốc khác nhau sinh sống. Các tộc người này không chỉ đối địch với các thế lực bên ngoài mà còn đối địch lẫn nhau.
Thứ hai, do nguy cơ dễ bị tấn công bởi các tộc người và thế lực bên ngoài, hầu hết các ngôi làng và nhà cửa ở đây được xây dựng như một pháo đài.
Thứ ba, địa hình núi non hiểm trở bậc nhất thế giới khiến việc chinh phục và cai trị Afghanistan càng khó khăn và càng làm trầm trọng hơn sự chia rẽ sắc tộc. Kể cả khi một thế lực bên ngoài chiếm đóng phần lớn lãnh thổ, việc áp đặt kiểm soát vẫn rất khó khăn.
Các đế chế thường tìm cách cai trị thông qua các lãnh chúa địa phương, nhưng khi không hài lòng, những lãnh chúa này sẵn sàng nổi dậy và cuối cùng các đế chế đều để mất Afghanistan vào tay các thế lực bản địa.
Với Mỹ, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates chỉ ra rằng, một trong những lý do khiến nước này sa lầy vào một cuộc chiến dài và tốn kém nhất lịch sử là không tách bạch giữa mục tiêu ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố với việc tìm cách biến đổi Afghanistan.
Trong bài phát biểu hôm 16/8 nhằm bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm, Tổng thống Joe Biden, nhấn mạnh mục tiêu đưa Mỹ đến Afghanistan là bắt những kẻ đã thực hiện vụ khủng bố 11/9 và đảm bảo rằng al-Qaeda không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công Mỹ một lần nữa. Ông khẳng định, Mỹ đã hoàn tất mục tiêu này và nhiệm vụ của Mỹ ở Afghanistan không bao giờ là xây dựng quốc gia hay tạo ra một nền dân chủ tập trung, thống nhất.
Theo cựu Bộ trưởng Gates, lẽ ra, Mỹ nên rút quân khỏi Afghanistan ngay từ năm 2002 khi Afghanistan có một chính phủ đa đảng được quốc tế công nhận, một số quốc gia cam kết hỗ trợ cả về phát triển và an ninh.
"Nếu không có quân đội nước ngoài ở đó và giới lãnh đạo chính trị Afghanistan phải tự lực, thì có thể chính phủ Afghanistan sẽ có được sự ủng hộ rộng rãi hơn nhiều khi Taliban cố gắng trở lại, và rất có thể các bên ở Afghanistan, bao gồm cả Taliban, sẽ thỏa hiệp với nhau", ông Gates nói.
Thực tế, sau khi bị lật đổ, Taliban vẫn nuôi mộng hồi sinh quyền lực, tiếp tục tấn công vào các lực lượng của chính quyền Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn. Sau 20 năm, Taliban giờ đây lại giành quyền kiểm soát Afghanistan khi các lực lượng quân sự phương Tây bắt đầu rút đi. Nhiều người cho rằng, lịch sử có thể lặp lại một lần nữa, một cường quốc nào đó có thể sẽ lại sa lầy ở Afghanistan.
Minh Phương/dantri.com.vn