Lầu Năm Góc ngày 24-1 thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đặt 8.500 binh lính vào “tình trạng báo động cao”, sẵn sàng triển khai đến Đông Âu vì căng thẳng ngày càng tăng ở Ukraine.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết phần lớn lính Mỹ nói trên có thể được điều động tăng cường cho Lực lượng Phản ứng của NATO nếu cần. Hiện tại, số binh sĩ này đồn trú tại Mỹ. Ngoài ra, ông Kirby lưu ý lực lượng này cũng sẽ có thể hành động nếu "xảy ra các tình hình khác".
Theo ông Kirby, sự triển khai quân ở châu Âu là "động thái trấn an các đồng minh của chúng tôi. Động thái gửi tín hiệu rất rõ ràng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng chúng tôi coi trọng trách nhiệm với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Ông Kirby cho rằng "rõ ràng Nga không có ý định giảm leo thang", và nói thêm các đơn vị bộ binh và lực lượng hỗ trợ được yêu cầu sẵn sàng xuất quân trong 5 ngày nếu có lệnh triển khai. Ông Kirby nhấn mạnh với báo giới ngày 24-1 "Mỹ sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước những hành vi gây hại cho chúng tôi hay đồng minh và đối tác".
Phương tiện quân sự của Nga trên đường tham dự cuộc tập trận chung ở Belarus vào tháng 2. Ảnh: AP
Thêm vào đó, ông Kirby khẳng định lực lượng nói trên sẽ không được điều động tới Ukraine - quốc gia không phải thành viên NATO.
Theo tờ The Guardian, lệnh cảnh giác cao độ do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ban hành giúp giảm số ngày cần thiết cho việc triển khai lực lượng nhưng chưa phải là lệnh triển khai lực lượng.
Thông báo của ông Kirby được đưa ra sau khi báo The New York Times cuối tuần trước đưa tin Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc triển khai vài ngàn quân Mỹ, cũng như tàu chiến và máy bay, tới các đồng minh của NATO ở vùng Baltic và Đông Âu.
Các động thái này báo hiệu một sự xoay chuyển lớn đối với chính quyền ông Biden, vốn cho đến gần đây vẫn giữ lập trường kiềm chế đối với Ukraine, vì lo ngại sẽ khiêu khích Nga. Việc Nga đưa hơn 100.000 quân đến biên giới Ukraine và phản ứng của NATO đã làm dấy lên mối lo về một cuộc chiến tranh có thể leo thang và lan rộng.
Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng nhiều lần cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Nga tấn công Ukraine.
Binh lính các nước đồng minh NATO và Mỹ đnag trong tình trạng sẵn sàng hành động để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AP
Ngày 24-1, tàu sân bay USS Harry S Truman cùng nhóm tác chiến tấn công đã tham gia hoạt động tuần tra dọc biển Địa Trung Hải. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ với đầy đủ thành phần đã được đặt dưới sự chỉ huy của NATO.
Cùng ngày, NATO cũng củng cố biên giới phía Đông với tàu chiến và tiêm kích. Đan Mạch sẽ huy động một khinh hạm tới biển Baltic và 4 tiêm kích F-16 tới Lithuania.
Tây Ban Nha đề nghị đưa một khinh hạm tới biển Đen và một máy bay tới Bulgaria, trong khi Hà Lan sẽ triển khai hai máy bay chiến đấu F-35 tới Bulgaria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ chính quyền của ông sẵn sàng đưa binh lính tới Romania và đặt họ dưới sự chỉ huy của NATO.
Trong ngày 24-1, Tổng thống Biden có cuộc trao đổi khoảng 80 phút với các lãnh đạo châu Âu, gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Olaf Scholz… Mục đích chính của cuộc họp này là thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Biden cho biết ông và các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận sau lời kêu gọi thảo luận chiến lược nhằm đáp trả việc Nga tăng cường quân sự dọc biên giới Ukraine. Ông Biden nói: "Tôi đã có một cuộc họp rất tốt và nhất trí hoàn toàn với các nhà lãnh đạo châu Âu".
Huệ Bình/nld.com.vn