Từ ngày 6 đến 10-6, tại thành phố Los Angeles (Mỹ) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9. Hội nghị thường được tổ chức 3 năm một lần, song đã bị hoãn do đại dịch Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên sau 28 năm Mỹ mới quay trở lại đăng cai tổ chức hội nghị này.
Việc Mỹ hết sức coi trọng Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần này-với sự tham dự của cả Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris-phần nào cho thấy dường như Washington đã bắt đầu chú trọng hơn đến khu vực “sân nhà” Mỹ Latin, sau một loạt thất bại về chính sách đối ngoại ở các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan và chiến sự ở Ukraine.
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các quốc gia châu Mỹ đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến những tác động của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực sức khỏe, kinh tế, giáo dục, cũng như các mối đe dọa từ khủng hoảng khí hậu.
Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại một cuộc thảo luận. Los Angeles, ngày 6-6. Ảnh: AP.. |
Trong bài phát biểu hôm 8-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố “quan hệ đối tác châu Mỹ”, tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm: Phục hồi kinh tế, huy động đầu tư, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và thương mại, với hy vọng củng cố, tăng cường quan hệ đối tác của Mỹ trong một khu vực mà lâu nay Washington không mấy coi trọng.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng công bố các khoản hỗ trợ dành cho các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề mất an ninh lương thực, bên cạnh các cam kết khác của khu vực tư nhân, cũng như các sáng kiến y tế và quan hệ đối tác về chống biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, vấn nạn người di cư-một vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết giữa Mỹ và các nước trong khu vực-cũng được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị lần này.
Năm 2021, Mỹ chứng kiến con số kỷ lục trong hai thập kỷ về số người di cư ở biên giới phía nam. Những nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp đã bị cản trở bởi nạn tham nhũng, với các dự án trị giá hàng triệu USD bị đình trệ, kéo theo sự đình trệ tham gia của một số khu vực tư nhân.
Trong một nỗ lực có liên quan, ngày 7-6, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố khoản tiền trị giá 3,2 tỷ USD trong các cam kết đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào khu vực Trung Mỹ. Các cam kết là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" của việc di cư từ Guatemala, Honduras và El Salvador-khu vực được gọi là Tam giác phương Bắc. Hạn chế di cư bất hợp pháp là ưu tiên hàng đầu của Washington, khi mà đúng vào ngày bắt đầu hội nghị, hàng nghìn người di cư từ Venezuela, Mexico và Guatemala cố gắng nhập cảnh vào Mỹ tại biên giới Mexico.
Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị, những tranh cãi về danh sách khách mời đã đặt ra câu hỏi về triển vọng cho các thỏa thuận có thể được ký kết. Việc chính quyền Washington từ chối mời các nhà lãnh đạo của Cuba, Venezuela và Nicaragua tham dự hội nghị-với lý do vi phạm nhân quyền và thiếu dân chủ-khiến một số nguyên thủ quốc gia tuyên bố tẩy chay hội nghị, bao gồm nguyên thủ các nước: Guatemala, Bolivia, Honduras và Mexico. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Cuba, đồng thời cho rằng lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và các biện pháp trừng phạt khác cần phải được chấm dứt. "Để giúp Cuba, điều đầu tiên cần làm là đình chỉ các lệnh cấm vận đối với Cuba, như hầu hết quốc gia trên thế giới đang yêu cầu. Đó thực sự là hành động nhân đạo. Không thể để bất cứ một quốc gia nào trên thế giới phải bị bao vây, phong tỏa; điều đó là vô cùng trái với đạo lý", ông Obrador tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh “Không thể có hội nghị thượng đỉnh của châu Mỹ nếu tất cả các nước châu Mỹ không thể tham dự... Điều này là để tiếp tục các chính sách can thiệp cũ, thiếu tôn trọng các quốc gia và người dân của họ". Mexico là quốc gia có đường biên giới dài 3.200km với Mỹ và là đối tác quan trọng nhất của Washington về chính sách di cư.
Quyết định tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ của một số quốc gia trong khu vực phần nào cho thấy cuộc chiến giành quyền gây ảnh hưởng của Mỹ-trong một khu vực đã trở nên rạn nứt về mặt chính trị và đang gặp vô vàn khó khăn về kinh tế-sẽ còn nhiều chông gai. Chưa kể, để đạt được mục đích, Mỹ còn phải loại bỏ được sức ảnh hưởng của Trung Quốc-hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latin. Bắc Kinh cũng đang tăng cường theo đuổi hợp tác an ninh, văn hóa và công nghệ nhiều hơn với các nước Mỹ Latin.
HÀ PHƯƠNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/no-luc-gianh-lai-anh-huong-cua-washington-trong-khu-vuc-696770