Những đợt không kích liên tiếp của Nga nhằm vào lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu ở Syria trong tháng này, làm dấy lên lo ngại xung đột trực tiếp giữa Washington và Moscow ở Syria.
Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời giới chức Mỹ ngày 18/6 cáo buộc Nga đứng sau "hàng loạt" đợt tấn công quân sự gần đây nhằm vào lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Syria, trong đó có vụ không kích căn cứ al-Tanf ở đông nam Syria hôm 15/6.
Máy bay Su-25 của Nga triển khai ở Syria (Ảnh minh họa: Reuters).
Một quan chức cho hay, không có binh sĩ nào của Mỹ bị thương hay thiệt mạng, nhưng vụ tấn công của Nga nhằm vào al-Tanf cho thấy "sự leo thang đáng kể" và làm dấy lên lo ngại những tính toán sai lầm có thể kéo theo một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ ở Syria.
Trước khi thực hiện vụ không kích, Nga đã thông báo trước với Mỹ về một chiến dịch nhằm đáp trả các vụ tấn công nhằm vào lực lượng của quân đội Syria. Giới chức Mỹ tin rằng, việc thông báo trước cho thấy, Nga không có chủ ý nhắm vào lực lượng của Mỹ, nhưng muốn gây rắc rối cho Washington.
Mỹ có khoảng 200 binh sĩ đồn trú ở al-Tanf, gần biên giới Syria với Iraq và Jordan. Washington cho biết, binh sĩ của họ ở đây tham gia vào công tác huấn luyện lực lượng vũ trang địa phương nhằm ngăn chặn sự nổi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS). Trong khi đó, phía Nga, Syria và Iran cáo buộc Washington đang đào tạo cho các lực lượng nước ngoài hoạt động bất hợp pháp ở Syria.
Tháng trước, cơ quan tình báo nước ngoài của Nga cáo buộc, Mỹ dùng al-Tanf để huấn luyện cho lực lượng dự kiến triển khai ở chiến trường Ukraine, trong đó có huấn luyện sử dụng tên lửa chống tăng, máy bay do thám, máy bay không người lái và các khí tài khác.
Mỹ chưa bình luận về những cáo buộc này, nhưng chỉ trích các động thái gần đây của Nga là "gây hấn và leo thang căng thẳng". Mặc dù vậy, tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, ông Eric Kurila, nhấn mạnh mục tiêu của Washington là "tránh những tính toán sai lầm hay các hành động có thể dẫn đến xung đột không cần thiết".
"Chúng tôi luôn tìm cách tránh những tính toán hay những hành động sai làm có thể kéo theo xung đột không cần thiết. Đó vẫn là mục tiêu của chúng tôi. Tuy nhiên, động thái của Nga gần đây là gây hấn và leo thang".
Quan hệ giữa Nga và Mỹ có chiều hướng căng thẳng hơn, đặc biệt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga tuyên bố, chiến dịch này nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng, song phương Tây đã bác bỏ và cho rằng họ cần thiết phải viện trợ quân sự để giúp Kiev đối phó Moscow. Gần 4 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và đồng minh liên tục cung cấp khí tài cho Ukraine bất chấp Nga cảnh báo nguy cơ chiến sự lan rộng thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moscow và phương Tây.
Minh Phương/dantri.com.vn