NATO sẽ chuyển cho Ukraine các hệ thống phòng không để giúp nước này đối phó với những cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).
"Điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm là thực hiện những cam kết đưa ra, tăng cường viện trợ hơn nữa hệ thống phòng không cho Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 18/10 tuyên bố.
Ông cho biết thêm: "Trong những ngày tới, NATO sẽ chuyển (cho Kiev) các hệ thống ngăn chặn mối đe dọa từ UAV, hàng trăm thiết bị gây nhiễu để đối phó với các mối đe dọa cụ thể từ UAV, kể cả những UAV giống của Iran chế tạo", tuyên bố.
Đáp lại cam kết này, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bình luận trên Twitter: "Với Ukraine, điều này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều sinh mạng được cứu sống, các hạ tầng năng lượng của chúng tôi sẽ được bảo vệ tốt hơn".
Cam kết được đưa ra giữa lúc Nga gần đây liên tục tiến hành các đợt tập kích diện rộng bằng máy bay không người lái nhằm vào các hạ tầng trọng yếu của Ukraine như lưới điện.
Giới chức Ukraine nói rằng, các cuộc tập kích này khiến hơn 1.100 làng mạc, thị trấn của Ukraine mất điện.
"Trong 10 ngày qua, Nga đã thực hiện khoảng 190 đợt tập kích bằng tên lửa, pháo và UAV tự sát tại 16 tỉnh của Ukraine và thủ đô Kiev. Hiện tại, 1.162 khu vực tại tỉnh Dnipropetrovsk, Kirovograd, Zhytomyr, Kharkov, Donetsk, Zaporizhzhia, Lugansk, Mykolaiv, Kherson vẫn mất điện", người phát ngôn Cơ quan Khẩn cấp Ukraine Oleksandr Khorunzhyi hôm qua cho hay.
Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, Nga đã phá hủy khoảng 30% số trạm điện ở nước này trong một tuần trở lại đây.
Kiev nhấn mạnh, ưu tiên số 1 hiện nay của nước này là các hệ thống phòng không để bảo vệ bầu trời trước các cuộc không kích bằng UAV của Moscow.
Các quan chức quân sự phương Tây cho rằng tổ hợp phòng không mà Ukraine cần để chống lại UAV tự sát của Nga khác với các hệ thống dùng để đối phó tên lửa hành trình. Khí tài có thể đối phó hiệu quả với UAV hiện nay là tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Mỹ hay các hệ thống tương tự của Israel và Đức. Tuy vậy, Washington hiện chưa có dấu hiệu chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine.
UAV tự sát đang cho thấy vai trò ngày càng lớn trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây là loại vũ khí có ưu điểm nhỏ gọn, dễ triển khai, có khả năng phát hiện và phá hủy mục tiêu bằng cách lao xuống mục tiêu cùng với khối thuốc nổ mang theo. UAV cũng có giá thành rẻ hơn so với tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình.
Cơ quan tình báo quân đội Ukraine cũng cho rằng, Nga buộc phải tăng cường sử dụng UAV bởi kho dự trữ tên lửa của nước này đã cạn kiệt. "Nga không thể sản xuất đủ các tên lửa mới khi kho dự trữ đã bắt đầu cạn kiệt. Dự trữ một số loại tên lửa giảm xuống mức báo động, chỉ khoảng 30%", Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, cho biết. Ông nói rằng, dự trữ tên lửa hành trình Iskander của Nga thậm chí chỉ còn 13% so với mức bình thường.
Moscow không bình luận về vấn đề này, song nhiều lần bác bỏ thông tin cho rằng Nga mua hàng nghìn UAV tự sát của Iran để phục vụ cho chiến dịch tập kích ở Ukraine.
Theo dantri.com.vn