Theo hãng tin Daily Sabah, tận dụng vị trí địa lý đặc thù, Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt quốc tế tại nước này, nơi tập hợp các nguồn năng lượng từ Đông Địa Trung Hải, Trung Đông, Biển Đen, Trung Á và phân phối chúng cho các quốc gia thứ ba.
Cuộc xung đột tại Ukraine từ cuối tháng 2-2022 và tiếp đó là các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây nhằm vào Moscow đã làm gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu-khu vực phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga. Hiện nay, châu Âu đang nỗ lực loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga đã khiến giá năng lượng leo thang ở châu Âu. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, một trung tâm giao dịch khí đốt quốc tế không chỉ có chức năng bảo đảm nguồn cung mà còn có thể giúp ổn định giá cả, một vấn đề rất quan trọng trong mua bán khí đốt. Đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng một vai trò lớn hơn trong thị trường năng lượng khu vực sẽ mang lại đòn bẩy chiến lược cho nước này trong mối quan hệ với Nga và với Liên minh châu Âu (EU).
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ TurkStream. Ảnh: Anadolu Agency |
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez, việc thiết lập trung tâm phân phối và mua bán khí đốt quốc tế trên lãnh thổ nước này đã bước vào giai đoạn cuối cùng và hoạt động thương mại đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2023. Bộ trưởng Donmez khẳng định, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm 15 quốc gia tiêu thụ và nhà cung cấp, trong đó có Azerbaijan, Algeria, Qatar và Nigeria. Đại diện các quốc gia này đều bày tỏ sẵn sàng ủng hộ dự án. Hiện các cuộc đàm phán đang tiếp tục về việc tăng công suất khí đốt.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí đốt tự nhiên vào ngày 14 và 15-2 tới tại Istanbul, với sự tham gia của các nhà cung cấp khí đốt ở Trung Đông, Địa Trung Hải, vùng Biển Caspian và Trung Á, cùng các quốc gia mua khí đốt ở châu Âu. Bộ trưởng Donmez nhấn mạnh, hội nghị thượng đỉnh khí đốt Istanbul sẽ là một nền tảng quan trọng giúp hồi sinh cuộc đối thoại giữa các quốc gia, cho phép những quốc gia sản xuất và tiêu thụ trao đổi quan điểm, đánh giá các cơ hội hợp tác mới. Với hội nghị này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ dần khẳng định vai trò trung tâm năng lượng toàn cầu mới.
Thổ Nhĩ Kỳ có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt thấp và phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu, đặc biệt là từ Nga. Tuy nhiên, nước này lại có nhiều điểm thuận lợi để trở thành trung tâm giao dịch khí đốt quốc tế. Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa các quốc gia giàu năng lượng và thiếu năng lượng đã đem đến tầm quan trọng chiến lược cho nước này với vai trò là một điểm trung chuyển. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn có cơ sở hạ tầng phục vụ mua bán khí đốt. Trên lãnh thổ nước này hiện có 7 đường ống dẫn khí đốt quốc tế từ Đông sang Tây, cùng 4 trạm đầu mối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên đất liền và các kho chứa nổi.
Yasar Sari, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu Haydar Aliyev thuộc Đại học Ibn Haldun cho biết, thời điểm này là không thể tốt hơn để thực hiện ý tưởng về một trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một mặt, châu Âu đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng khí đốt. Người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi giá cao và các chính trị gia lo lắng về việc bảo đảm đủ nguồn cung cho mùa đông sắp tới. Mặt khác, Nga cần tìm một con đường mới để đưa khí đốt của mình đến tay người tiêu dùng châu Âu sau cuộc tấn công nhằm vào các đường ống Dòng chảy phương Bắc.
Trong khi đó, đánh giá trên trang Tân Hoa xã, nhà phân tích Kerim Has cho rằng, với năng lực ngoại giao và tầm nhìn chiến lược, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành trung gian trong kinh doanh khí đốt tự nhiên đến châu Âu về mặt dài hạn. Theo ông Has, việc cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu sẽ đem lại lợi thế chiến lược cho Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với châu Âu, khiến nước này trở thành hành lang năng lượng của lục địa già trong thời điểm cần thiết. Bên cạnh đó, điều này cũng gắn kết hơn mối quan hệ năng lượng giữa Ankara và Moscow.
Sự cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Nga và châu Âu giúp nước này đạt được những lợi ích và ảnh hưởng nhất định. Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn đóng một vai trò đáng kể trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, thế cân bằng ấy cũng đang ngày càng gây thách thức cho Ankara khi mà các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục thúc giục quốc gia này có động thái rõ ràng trong việc “chọn bên”.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, nếu châu Âu quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong những năm tới thì ý tưởng trở thành trung tâm năng lượng khu vực của Thổ Nhĩ cũng sẽ không còn nhiều giá trị về mặt kinh tế.
BẢO CHÂU
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/toan-tinh-chien-luoc-cua-ankara-718204