Năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.
Tòa nhà ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ sập sau trận động đất 6/2 (Ảnh: Reuters).
Guardian dẫn số liệu từ Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter sáng 6/2 ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã lên 4.372 người. Trong đó, số nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ là 2.921 người, ở Syria là 1.451 người.
Đây là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cho rằng, trận động đất gây thiệt hại lớn do xảy ra ở khu vực đông dân cư và vào rạng sáng, khoảng hơn 4h, khi nhiều người còn đang ngủ. Ngoài ra, tâm chấn nông cũng là yếu tố gia tăng mức độ tàn phá của nó.
Nỗ lực xuyên đêm để giải cứu nạn nhân sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP).
Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất có cường độ 7,8 richter, nhưng một số chuyên gia nhận định, nó có thể lớn hơn. Trong báo cáo đưa ra khoảng 30 phút sau trận động đất, các chuyên gia của USGS ước tính có 34% khả năng tử vong ở mức 100 - 1.000 người và 31% khả năng tử vong ở mức 1.000 - 10.000 người. USGS đánh giá thiệt hại do động đất gây ra khoảng 1% GDP.
Januka Attanayake, nhà địa chấn học tại Đại học Melbourne, Australia, cho biết năng lượng do trận động đất giải phóng ra tương đương năng lượng đủ để thành phố New York (Mỹ) tiêu thụ trong 4 ngày.
Trong khi đó, nhà địa chấn học Susan Hough của USGS chỉ ra, tuy không phải trận động đất mạnh nhất thế giới, nhưng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm. Renato Solidum, giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, cho hay động đất trên 7 độ richter được các nhà khoa học mô tả có "năng lượng tương đương khoảng 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Theo ông Attanayake, đây dường như là một trong số một loạt trận động đất. Một đường đứt gãy dài khoảng 1.500 km chia tách mảng kiến tạo Á - Âu ở phía bắc với mảng kiến tạo Anatolia ở phía nam đã tạo ra nhiều rung chấn từ 6,7 độ trở lên kể từ năm 1939.
USGS cho biết, sau trận động đất rạng sáng 6/2, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm ít nhất 100 dư chấn từ 4 độ richter trở lên, trong đó dư chấn mạnh nhất xảy ra vào đầu giờ chiều với cường độ tương đương.
Trận động đất khiến hơn 4.300 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng, khiến hàng chục nghìn người bị thương (Ảnh: Reuters).
Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời chính thức đề nghị NATO và đồng minh hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thảm họa.
Một nhân chứng kể lại, gia đình cô bị đánh thức bởi trận động đất lúc hơn 4h sáng. Ban đầu chỉ là những rung chấn rất nhẹ, nhưng sau đó mạnh dần lên. "Lúc đầu tôi không lo sợ, động đất rất nhẹ như chúng tôi thi thoảng vẫn gặp. Nhưng rồi rung lắc mạnh dần lên, đồ đặc đổ vỡ. Tôi cảm giác như có ai đó muốn xô ngã tôi và thấy tức lồng ngực", cô cho biết. Gia đình cô đã may mắn sống sót vì kịp chạy ra ngoài trước khi quá muộn.
Tâm chấn trận động đất sáng 6/2 nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (Bản đồ: Reuters).
Minh Phương/dantri.com.vn