Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, quốc hội nước này sẽ phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Phần Lan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto (Ảnh: Getty).
"Do tính chất nhạy cảm của vấn đề an ninh quốc gia, và dựa trên những đánh giá về tiến bộ đạt được trong việc thực thi thỏa thuận gia nhập NATO của Phần Lan, chúng tôi đã quyết định khởi động tiến trình phê duyệt đơn đề nghị tại quốc hội", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/3 nói với các phóng viên.
Ông cho biết thêm: "Khi nói đến việc thực hiện các cam kết trong biên bản ghi nhớ ba bên, chúng tôi thấy rằng Phần Lan đã thực hiện các bước xác thực và cụ thể".
Hồi tháng 6 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển đã ký một thỏa thuận nhằm giải quyết những bất đồng trong quá trình gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm của ông Erdogan với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto ở Ankara. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan giờ đây sẽ được chuyển đến quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để được phê duyệt và dự kiến diễn ra trước cuộc bầu cử vào ngày 14/5 tới.
Tháng 5 năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ chính sách trung lập duy trì hàng chục năm, quyết định nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt do những lo ngại an ninh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Để gia nhập, hai nước này cần được sự phê chuẩn của toàn bộ 30 thành viên NATO, trong đó họ vấp phải thách thức lớn nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Erdogan yêu cầu hai quốc gia Bắc Âu này trước tiên phải dỡ lệnh cấm vận vũ khí với Ankara, dẫn độ các phần tử mà họ cho là khủng bố, điều tra hoạt động của Đảng Lao động người Kurd trên lãnh thổ của họ.
Phần Lan và Thụy Điển đã chấp nhận những đề nghị của Ankara trong một bản ghi nhớ 3 bên hồi tháng 6/2022. Tuy nhiên, Ankara cho rằng, Thụy Điển không đáp ứng được các cam kết đưa ra. Nói về triển vọng kết nạp Thụy Điển, ông Erdogan hôm qua cho biết, điều này "phụ thuộc trực tiếp vào những bước đi cụ thể của Thụy Điển trong việc chống chủ nghĩa khủng bố".
Mặc dù ban đầu Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố sẽ gia nhập NATO cùng nhau, nhưng giờ đây họ thừa nhận khả năng phải gia nhập riêng rẽ.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với ông Erdogan, Tổng thống Phần Lan Niinisto cho rằng, việc gia nhập NATO của nước này sẽ không hoàn thiện nếu Thụy Điển không được kết nạp cùng vì hai nước có rất nhiều lợi ích chung và là láng giềng của nhau ở vùng biển Baltic.
Mỹ hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, đồng thời hối thúc Ankara sớm phê chuẩn nỗ lực của Thụy Điển.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Thụy Điển và Phần Lan đều là hai đối tác có năng lực và cùng chia sẻ các giá trị của NATO. Theo ông Sullivan, hai quốc gia Bắc Âu này nên sớm trở thành thành viên của liên minh để góp phần củng cố NATO và đóng góp cho an ninh khu vực.
Minh Phương