Ðề phòng giun móc chó, mèo gây bệnh nguy hiểm

Thứ 4, 08.08.2018 | 08:00:00
522 lượt xem

Giun móc chó, mèo có thể gây bệnh ở người theo hai đường nhiễm qua da và qua đường tiêu hóa, trong đó gặp nhiều nhất là nhiễm giun qua da.

  Giun móc chó, mèo có thể gây bệnh ở người theo hai đường nhiễm qua da và qua đường tiêu hóa, trong đó gặp nhiều nhất là nhiễm giun qua da.

Giun móc chó, mèo có thể gây bệnh ở người theo hai đường nhiễm qua da và qua đường tiêu hóa, trong đó gặp nhiều nhất là nhiễm giun qua da. Bệnh gây tổn thương ở da, phổi.

Giun móc chó mèo lây bệnh cho người thế nào?

Giun móc chó, mèo sống ký sinh ở trong ruột chó, mèo và ở một số động vật hoang dã như: khỉ, mèo rừng, hổ, báo, cầy giông... Khi con người tiếp xúc với phân chó, mèo và các động vật hoặc tiếp xúc với đất, nước có mầm bệnh thì ấu trùng của giun móc chó mèo xâm nhập cơ thể gây bệnh. Do ấu trùng giun móc chó, mèo không có khả năng đi sâu vào cơ thể người, chúng chỉ bò quanh quẩn ở mô dưới da, tồn tại ở đó trong nhiều tuần gây nên hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da rất kinh sợ.

Những người thường xuyên tiếp xúc với đất, cát bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng dễ mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở những người làm vườn, trẻ em chơi nghịch đất cát, người đi chơi ngồi ở bãi biển... Ấu trùng giun chui qua da, thường là ở tay, chân. Vì ấu trùng giun móc chó, mèo không có men phân hủy thành mạch máu người nên chúng không thể xâm nhập máu để đi khắp cơ thể như các loại ấu trùng giun khác. Vì vậy, chúng chỉ di chuyển ở mô dưới da gây ra các đường nổi ngoằn ngoèo dưới da.

Bệnh giun móc chó, mèo ở da và phổi người

Sau khi ấu trùng giun móc chó mèo xâm nhập qua da người, chúng gây ra vết sẩn đỏ, ngứa, thành mọng nước. Từ vài giờ đến 2, 3 ngày sẽ phát triển ra vùng da chung quanh thành một hay nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao, rất ngứa, kéo dài với tốc độ từ vài mm đến vài cm mỗi ngày, để lại dấu hiệu đoạn đường ấu trùng đã di chuyển. Có thể có các bóng nước nhỏ nổi dọc theo đường hầm ấu trùng di chuyển, bị thâm nhiễm bạch cầu. Do rất ngứa nên bệnh nhân phải gãi nhiều, gây trầy xước da dẫn đến bị nhiễm khuẩn da sinh mủ... Trong da, ấu trùng giun có thể tồn tại nhiều tuần đến hàng tháng. Đặc biệt, ấu trùng giun có thể thoát ra thành mạch máu, lên phổi gây bệnh ở phổi. Điển hình là hội chứng Loeffler với biểu hiện ho giống như bệnh lao, bệnh nhân ho khan, đau ngực, bạch cầu ái toan tăng cao. Chụp Xquang có hình ảnh thâm nhiễm giống lao nhưng hình ảnh này tự biến mất sau từ 1 - 2 tuần mà không cần điều trị gì.

 

Việc chẩn đoán bệnh phải dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ trên da và dấu hiệu dị ứng toàn thân. Xét nghiệm sinh thiết da cho thấy những u hạt chứa nhiều tế bào bạch cầu đa nhân ái toan có thể gặp được ấu trùng nằm giữa u hạt.

Phương pháp điều trị

Khi đã phát hiện bệnh, để diệt ấu trùng giun móc chó, mèo trong da cần phải dùng các loại thuốc chống giun như albendazole, flubendazole, thiabendazole. Thông thường sử dụng thuốc thiabendazol với liều lượng 25mg/kg cân nặng mỗi ngày, dùng từ 2 - 3 ngày và nên kết hợp với các thuốc chống dị ứng để giảm ngứa cho bệnh nhân. Điều trị tại chỗ bằng phương pháp đông lạnh ấu trùng với khí nén freon (cryofluorane) hoặc bằng thuốc mỡ chứa lindane 1%, hoặc dùng kem hexachlorocyclohexan (HCH) thoa lên đường hầm ấu trùng di chuyển trong da.

Lời khuyên của bác sĩ

Do ở cùng nhà, con người và các động vật nuôi như chó, mèo... thường tiếp xúc với nhau nên có nhiều cơ hội giun móc chó mèo lây nhiễm sang người gây bệnh. Vì vậy, việc phòng bệnh vẫn là vấn đề cần được người dân quan tâm để chủ động phòng tránh. Nhà nào nuôi chó mèo thì sàn nhà, sân vườn ở đó có thể ô nhiễm ấu trùng giun móc của chó mèo.

Do đó, muốn phòng bệnh phải chú ý 2 biện pháp chính là có phương tiện bảo vệ khi tiếp xúc với đất cát và hạn chế nuôi chó mèo, không để chó mèo ở trong khuôn viên nhà ở, trường học, lớp mẫu giáo, nhà trẻ. Người lao động khi làm vườn, làm nương rẫy... tiếp xúc với đất, cát phải có dụng cụ, phương tiện bảo vệ như mặc quần áo dài, đi ủng, đeo găng tay. Cha mẹ cần quản lý trẻ em, không để trẻ nghịch nơi đất, cát. Không nên để trẻ em đi chân đất hoặc ngồi bệt dưới đất, cát. Người nuôi chó, mèo cần định kỳ tẩy giun cho chó, mèo để hạn chế nguy cơ lây nhiễm ấu trùng giun móc chó mèo ra môi trường.

Để phòng tránh nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa, mọi người cần phải thực hiện ăn chín uống sôi. Không nên ăn rau sống, các món ăn tái hay chưa chín kỹ như lẩu, nướng…

  • Từ khóa