Cách đây 35 năm, cuộc cách mạng về máy tính cá nhân bắt đầu khi Microsoft ra mắt phiên bản hệ điều hành Windows đầu tiên để kế nhiệm MS-DOS.
Ngày 20/11/1985 trở thành một cột mốc quan trọng, mở đường cho các phiên bản Windows hiện đại đang được sử dụng ngày nay. Dù Windows 10 trông không giống Windows 1.0, nó vẫn giữ lại nhiều thiết kế đặc trưng từ thuở ban đầu, như thanh cuộn, menu thả xuống, biểu tượng, hộp thoại và các ứng dụng Notepad, MS Paint.
Nhà đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates - với một phiên bản Windows. Ảnh: Carol Halebia/The Verge.
Windows 1.0 mở ra tiền đề cho việc sử dụng chuột làm công cụ điều khiển với thao tác trỏ, nhấp thay vì nhập lệnh như trên MS-DOS. Tuy nhiên, khi đó, nhiều người phàn nàn vì cho rằng Windows 1.0 tập trung quá mức vào tương tác của chuột thay vì các lệnh từ bàn phím. Dẫu phiên bản Windows đầu tiên không được đón nhận nồng nhiệt, nó cũng thúc đẩy cuộc cạnh tranh sản xuất máy tính giữa ba ông lớn Apple, IBM và Microsoft.
Thời điểm đó, Apple đã đi trước trong việc sản xuất GUI (giao diện đồ họa người dùng) điều khiển bằng chuột nhưng hãng vẫn tập trung chủ yếu vào kết hợp phần cứng và phần mềm. Nhờ vậy, sau khi Microsoft tạo ra hệ điều hành PC DOS giá rẻ cho máy tính của IBM, họ đã khẳng định được vị thế vững chắc với tư cách là một công ty phần mềm.
Window vẫn thống trị lĩnh vực máy tính cá nhân trong suốt 35 năm qua dù cho Apple Mac luôn cạnh tranh rất gắt gao. Windows đang phải đối mặt thử thách lớn chưa từng có do sự phổ biến của điện thoại thông minh và máy tính bảng. Tuy nhiên, Microsoft sẽ vượt qua được khó khăn trong lĩnh vực thiết bị di động nếu họ phát huy được hết vị thế trong ngành phần mềm của mình.
Windows 1.0 mang tới GUI, hỗ trợ chuột máy tính và những ứng dụng quan trọng khác. Sau nhiều năm nghiên cứu phần mềm cho Mac, Bill Gates đã dẫn đầu trong việc phát triển hệ điều hành. Windows 1.0 được Microsoft phát hành với tư cách là hệ điều hành PC đồ họa 16-bit đầu tiên dựa trên nền tảng MS-DOS. Năm 1985, để hoạt động, Windows 1.0 cần hai đĩa mềm, bộ nhớ 256 kilobyte và một card đồ họa. Nếu muốn chạy nhiều chương trình, bạn cần đĩa cứng và 512 kilobyte bộ nhớ.
Tháng 12/1987, Windows 2.0 ra mắt, phát triển trên nền tảng 16-bit cùng card đồ họa VGA. Ngoài ra, đây cũng là lúc những phiên bản Word, Excel đầu tiên được ra đời. Phiên bản 2.0 cho phép các ứng dụng xếp chồng lên nhau và biểu tượng ứng dụng trên màn hình cũng thân thiện với người dùng hơn. Sáu tháng sau, Microsoft tiếp tục trình làng với phiên bản Windows 2.1, đồng thời là phiên bản đầu tiên yêu cầu sử dụng ổ cứng.
Windows 3.0 kế thừa GUI trên nền hệ điều hành MS-DOS nhưng đã cải tiến giao diện người dùng cũng như sử dụng hệ thống quản lý tập tin mới hơn. Trong bản cập nhật 3.1, trò chơi Dò mìn ra mắt.
Windows NT 3.5 là phiên bản thứ hai trong dòng Windows NT, sở hữu những tính năng quan trọng như bảo mật và chia sẻ tệp tin. Nó đánh dấu sự dấn thân của Microsoft vào lĩnh vực máy tính thương mại. Đồng thời, Windows NT 3.5 cũng hỗ trợ bộ giao thức trao đổi thông tin TCP/IP mà người dùng đang sử dụng để truy cập Internet.
Windows 95 đánh dấu kỷ nguyên của Windows hiện đại và là một trong những bản cập nhật quan trọng nhất của Windows. Lúc này, Microsoft chuyển qua hệ 32-bit, cho ra mắt menu Start cũng như Internet Explorer và mở ra một kỷ nguyên mới về ứng dụng.
Tiếp nối thành công của Windows 95, Windows 98 cải thiện hiệu suất và nâng cao hỗ trợ phần cứng. Một số ứng dụng mới được bổ sung như Active Desktop, Outlook Express, Frontpage Express, Microsoft Chat và NetMeeting.
Sang đến Windows ME (2000), Microsoft tập trung chủ yếu vào người dùng và khả năng đa phương tiện với việc cho ra mắt Window Movie Maker và phiên bản nâng cấp của Windows Media Player, Internet Explorer. Tuy nhiên, bản này không ổn định và hay gặp trục trặc.
Windows 2000 được thiết kế dựa trên dòng Windows NT, mang tính bảo mật cao với tính năng bảo vệ tệp mới, bộ đệm DLL và phần cứng cắm và chạy. Do đó, nó được sử dụng chủ yếu trên máy khách và máy chủ trong doanh nghiệp.
Phiên bản Windows XP (2001) kết hợp tính năng cho cả người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp, được thiết kế cho máy khách và máy chủ trong doanh nghiệp.
Giống phiên bản ME, Windows Vista (2007) không được đông đảo người dùng đón nhận. Microsoft mất khoảng 6 năm phát triển Vista với giao diện người dùng Aero mới và cải thiện tính năng bảo mật. Tuy nhiên, Vista lại chỉ hoạt động tốt trên phần cứng mới. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài khoản người dùng cũng bị chỉ trích nặng nề. Do đó, Windows Vista trở thành một trong những sản phẩm bị đánh giá tệ của Microsoft.
Năm 2009, Microsoft giới thiệu Windows 7 thay thế cho Windows Vista. Với hiệu suất cũng như giao diện người dùng được tối ưu hóa, phiên bản này thành công vang dội và là một trong những bản Windows phổ biến nhất.
Windows 8 (2012) được thiết kế lại hoàn toàn, khác với giao diện Windows quen thuộc. Microsoft loại menu Start và thay bằng giao diện Start toàn màn hình. Đồng thời, họ cũng rất chú tâm vào màn hình cảm ứng cũng như máy tính bảng khi dùng các ứng dụng "Metro-style" mới thay thế cho ứng dụng desktop lỗi thời. Tuy nhiên, giao diện hoàn toàn mới khiến người dùng gặp đôi chút khó khăn. Vì vậy, Microsoft đã phải xem xét lại các bản thiết kế Windows cho sau này.
Windows 10 (2015) đã quay về với menu Start quen thuộc. Thêm vào đó, nó sở hữu một số tính năng mới như Cortana, Microsoft Edge và Xbox One cho phép kết nối và phát trực tuyến trên PC. Phiên bản lần này được thiết kế một cách tỉ mỉ, chu đáo và phù hợp cho máy tính bảng và máy tính xách tay hybrid. Ngoài ra, Microsoft cũng biến Windows thành một sản phẩm dịch vụ, qua đó người dùng có thể cập nhật thường xuyên.
Đức Anh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/chang-duong-35-nam-cua-windows-4195290.html