Văn hóa làm việc "996" được dùng để chỉ thời gian làm việc kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần.
Hôm 26/8 vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ra tuyên bố lên án văn hóa "996", nghĩa là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày mỗi tuần.
Vài năm trở lại đây, văn hóa "996" được xem là một yếu tố quan trọng và rất phổ biến trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt đối với các startup đang chạy đua để mở rộng quy mô trên thị trường.
Trong khi các ông lớn công nghệ tại quốc gia này như Alibaba, JD.com, Pinduoduo, ByteDance... đồng loạt đề cao lối làm việc "996", nhân viên của họ lại không nghĩ như vậy. Người lao động cho rằng văn hóa "996" thể hiện tình trạng bóc lột sức lao động quá mức, thậm chí dẫn đến bức tử nhân viên.
Văn hóa "996" đã trở nên rất phổ biến tại các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc trong vài năm qua.
Vào tháng 1, công ty thương mại điện tử Pinduoduo đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trước những cáo buộc rằng họ yêu cầu nhân viên phải làm việc quá mức, sau khi hai nhân viên của họ bất ngờ tử vong, trong đó có một người tự tử.
Trong một vụ việc khác, nhân viên ngành truyền thông bất tỉnh trong phòng vệ sinh lúc 5h30, sau đó người này đã tử vong vì trụy tim. Tòa án Trung Quốc khẳng định cái chết của nhân viên có liên quan đến công việc và yêu cầu công ty bồi thường cho gia đình nạn nhân khoảng 62.000 USD.
Trên thực tế, phản ứng gay gắt của công chúng đối với văn hóa làm việc quá mức tại Trung Quốc đã không còn là điều quá mới mẻ. Hai năm trước, tỷ phú Jack Ma, đồng sáng lập tập đoàn Alibaba, đã nhận phải hàng loạt chỉ trích nặng nề sau khi ca ngợi văn hóa làm việc "996" là một "phước lành lớn".
Khi đó, Tỷ phú Jack Ma cho rằng các nhân viên trẻ sẽ "thật may mắn" nếu được làm việc nhiều giờ. Tuy nhiên, theo một số thống kê từ SCMP, người lao động trẻ tại Trung Quốc có ít thời gian ở nhà sau khi đi làm do thời gian lao động dài và di chuyển lâu. Điều đó dẫn đến hậu quả là họ không ngủ đủ giấc.
Các nhà khoa học xác định tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn tới một số bệnh ung thư, gây tăng cân và suy giảm trí nhớ. Những năm qua, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ công dân trước nạn làm việc quá sức sau một số vụ thiệt mạng do làm việc quá giờ.
Năm 2017, Thụy Điển đã thử nghiệm cho công dân làm việc 30 giờ/tuần. Kết quả ban đầu cho thấy người lao động hạnh phúc hơn và ít căng thẳng hơn. Một công ty tại New Zealand cũng cho biết nhân viên của họ sáng tạo hơn khi làm việc 4 ngày/tuần.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc rút ngắn thời gian làm việc sẽ dẫn đến năng suất cao hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc rút ngắn thời gian làm việc sẽ dẫn đến năng suất cao hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc trong nhiều giờ liền. Các nhà kinh tế cũng chỉ ra nhân viên tại những quốc gia có thời gian làm việc dài đang cho năng suất kém hơn.
Thậm chí, để từ chối văn hóa làm việc cường độ cao, giới trẻ Trung Quốc gần đây đã đồng loạt thúc đẩy văn hóa "nằm yên". Trào lưu này kêu gọi mọi người không quan tâm đến những áp lực xã hội khiến họ phải làm việc chăm chỉ, kết hôn, sinh con hay mua nhà. Điều đó cũng đang khiến cho giới chức Trung Quốc đau đầu tìm cách giải quyết.
Thế Anh/dantri.com.vn