Rất nhiều thiết bị thực tế ảo chưa có tính năng để phụ huynh có thể kiểm soát hoạt động của trẻ em. Bên cạnh đó, trẻ em cũng có thể gặp phải bạo lực hoặc lạm dụng trong vũ trụ ảo.
Mùa hè năm ngoái, Allen Roach đã chứng kiến một sự việc khiến anh cảm thấy vô cùng băn khoăn. Cậu con trai 11 tuổi của Roach là Peyton, đã chơi trò chơi thực tế ảo có tên "Blade & Sorcery" và dùng một thành kiếm để chặt tay chân các nhân vật trong game.
Tất cả chỉ diễn ra trong thế giới ảo của trò chơi. Tuy vậy, Roach vẫn cảm thấy vô cùng khó chịu khi chứng kiến toàn bộ hình ảnh được phản chiếu từ chiếc kính thực tế ảo Oculus Quest 2 lên màn hình TV.
"Điều khiến tôi cảm thấy khó chịu là những hình ảnh trên không chỉ diễn ra trên màn hình phẳng. Chúng được tái hiện hoàn toàn dựa theo các thao tác của tay", Roach nói.
Roach là một trong số rất nhiều phụ huynh đang ứng dụng các thiết bị công nghệ để hỗ trợ cho quá trình học tập của các con. Theo CNN, ngày càng có nhiều trẻ em sử dụng các thiết bị VR để chơi trò chơi, nói chuyện và làm các hoạt động khác trong môi trường thực tế ảo.
Trong khi những chiếc kính VR đang xuất hiện nhiều hơn tại các gia đình, rất nhiều trong số chúng (bao gồm của chiếc Quest 2) lại không được trang bị các tính năng hỗ trợ phụ huynh kiểm soát hoạt động của trẻ như giới hạn thời gian hoặc ứng dụng được truy cập.
Kristina Milian, một phát ngôn viên của Meta cho biết công ty đang liên tục tìm cách cải thiện các biện pháp bảo vệ và kiểm soát để cung cấp cho người dùng, đồng thời khẳng định chiếc kính VR Quest của họ không được thiết kế cho trẻ em dưới 13 tuổi.
Theo CNN, rất nhiều phụ huynh mong muốn công ty có thể sớm đưa ra các giải pháp cho vấn đề này. Tính năng được quan tâm nhất là việc theo dõi chuyển động ảo của trẻ bên trong thế giới ảo theo thời gian thực và truyền các hình ảnh đó đến smartphone hoặc màn hình TV. Ngoài ra, một số người khác lại muốn giới hạn những gì trẻ có thể tải xuống, hoặc chỉ cho phép chúng sử dụng công nghệ này khi có người lớn bên cạnh.
Việc truyền nội dung lên màn hình và giới hạn các loại nội dung mà trẻ em truy cập có thể giúp người lớn theo dõi những gì con họ làm. Tuy nhiên, điều đó vẫn không loại trừ hoàn toàn nguy cơ trẻ em có thể gặp phải bạo lực hoặc lạm dụng trong vũ trụ ảo.
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào khẳng định rằng kính VR có thể gây hại cho mắt, não hoặc sự phát triển tâm lý của trẻ em.
"Những thứ mà bạn đã nhìn thấy, bạn không thể xem như là chưa thấy", Kavya Pearlman, nhà sáng lập kiêm CEO của XR Safety Initiative, cho biết.
Trong nhiều năm qua, hàng loạt các nghiên cứu đã được tiến hành, nhưng vẫn chưa có kết luận nào khẳng định rằng kính VR có thể gây hại cho mắt, não hoặc sự phát triển tâm lý của trẻ em. Pearlman kỳ vọng rằng sẽ thấy nhiều nghiên cứu hơn trong năm nay.
Bên cạnh việc theo dõi các hành động của trẻ khi sử dụng kính VR, Pearlman nói rằng cha mẹ nên cảnh giác trẻ nhỏ không được nói chuyện với người lạ khi tham gia thế giới ảo. Đồng thời, trẻ em cũng không nên sử dụng các thiết bị này quá 20 phút mỗi lần.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-manh-so/vu-tru-ao-co-the-nguy-hiem-voi-tre-em-ra-sao-20220114223620355.htm