Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh - Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh hiệu quả, đạt Giải thưởng viễn thông châu Á.
Với kinh nghiệm, lợi thế và nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực. Chuyển đổi số đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Dấu ấn từ chuyển đổi số
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, Trung tâm Điều hành Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Hue-S) vận hành hiệu quả.
Việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả bốn cấp hành chính. Hơn 75% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thuộc lĩnh vực này tăng dần qua từng năm, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này được đào tạo bài bản, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hiện nay, số người dân trong tỉnh có sử dụng điện thoại thông minh là 680.756 người. Hue-S là ứng dụng duy nhất trên nền tảng di động, được tích hợp toàn diện, ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh.
Mọi phản ánh của người dân khi được đăng tải lên ứng dụng Hue-S đều sẽ được ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp đôn đốc và xử lý dứt điểm. Nhờ đó, lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh và người dân theo dõi được quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của cơ quan chức năng.
Hue-S đã được Ban tổ chức Giải thưởng viễn thông châu Á năm 2019 (Telecom Asia Awards 2019) vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo châu Á và đoạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 ở hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc. Thừa Thiên Huế xếp vị trí thứ hai về chuyển đổi số cấp tỉnh ở cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đứng thứ hai về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Thừa Thiên Huế còn đứng vị trí thứ 4 trong cả nước về chỉ số PAR INDEX. Về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nhiều chỉ số của tỉnh Thừa Thiên Huế được công bố đều tăng và nằm ở vị trí cao trong toàn quốc như chỉ số PAPI, PCI...
Những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội không chỉ tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với tỉnh mà còn tác động tích cực, lan tỏa đến mỗi người dân. Thừa Thiên Huế hiện có gần 70 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số; 100% số doanh nghiệp trên địa bàn đều có kết nối Internet; hơn 200 doanh nghiệp có website tích hợp chức năng cho phép đặt hàng trực tuyến; 100% số cơ quan cấp huyện có cán bộ được giao phụ trách công tác phát triển xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số cho người dân.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thừa Thiên Huế Dương Tuấn Anh cho biết: Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong tỉnh đã quen với việc sử dụng phần mềm khai báo thuế, phần mềm kế toán, chữ ký số… mang lại nhiều tiện ích trong hoạt động. Doanh nghiệp đã chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo hướng số hóa để thích ứng với thực tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, gia tăng lợi nhuận cũng như cơ hội tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, thông qua hệ thống lắp đặt camera ghi lại hình ảnh giúp việc quản lý bến bãi, thi sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện được đẩy mạnh để có cơ sở điều hành, quản lý, giám sát. Quản lý hình ảnh từ camera giao thông được Công an tỉnh triển khai, kết nối vào phần mềm Hue-S. Mỗi năm, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 3.000 trường hợp vi phạm; xử lý trực tiếp và gửi thông báo hơn 50% số vụ được phát hiện, góp phần ngăn chặn vi phạm, hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Từ lựa chọn đến bắt buộc
Thừa Thiên Huế là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số, quản lý đô thị thông minh tại Việt Nam, đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ quốc tế. Dự án xây dựng mô hình đô thị kỹ thuật số thông minh cho quy hoạch không gian đô thị đã đem lại hiệu quả rõ nét. Đây được xem như một phần của chính phủ số, cho phép quy trình lập quy hoạch được toàn diện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, chuyển đổi số không còn dừng ở lựa chọn mà là bắt buộc với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp. Điều này, tạo nền tảng để vận hành chính quyền số, xây dựng các dịch vụ cơ bản hình thành xã hội số và bước đầu đưa nền kinh tế số trở thành một trong các nguồn thu ngân sách ổn định và phát triển bền vững.
Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% các tiêu chí về hoàn thiện chính quyền số được triển khai hoàn thiện; hơn 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm từ 15-20% tổng sản phẩm GRDP; giữ vững vị trí nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số chuyển đổi số.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, nghị quyết là công cụ đột phá để thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, về phát triển chính quyền số, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 có 100% cơ quan nhà nước được triển khai hạ tầng trên nền tảng điện toán đám mây, được giám sát an toàn thông tin qua Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC); 100% cơ quan Nhà nước triển khai hệ thống báo cáo số từ cấp tỉnh đến cấp xã; hình thành trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội của tỉnh…
Bên cạnh 134 doanh nghiệp số hiện có, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 300 doanh nghiệp số; 10.000 lao động trở lên phục vụ phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh; 90% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
Đối với phát triển xã hội số, hiện có 90% hộ gia đình trên toàn tỉnh kết nối mạng internet, các dịch vụ thiết yếu qua dịch vụ đô thị thông minh và đến năm 2025 phấn đấu đạt 100%; 50% người dùng thiết bị di động thông minh được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. Hình thành nền tảng xã hội số; xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số của tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các ngành, lĩnh vực với nhiều ứng dụng công nghệ mới, thông minh đã được triển khai thành công; trong đó, tích cực triển khai chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Năm 2022, tỉnh tập trung xây dựng, phát triển ứng dụng “Báo cáo số” để cập nhật, tra cứu và quản lý dữ liệu báo cáo trên địa bàn; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả và tốc độ chuyển đổi số...
NGUYỄN CÔNG HẬU/nhandan.vn
https://nhandan.vn/thong-tin-so/dot-pha-tu-chuyen-doi-so--699178/