Xu hướng chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Xây dựng “làng thông minh”, hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
“Làng thông minh” được hiểu là mô hình cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Theo đó, trong mô hình “làng thông minh”, người dân sẽ có một không gian đáng sống, được kết nối cũng như thụ hưởng các tiện ích và dịch vụ xã hội tốt hơn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực khác như: du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu... cùng phát triển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương như: xã Bạch Ðằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp); xã Quảng Thọ (huyện Quảng Ðiền) và xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)... Mô hình này bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, người dân được sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công...
Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm mô hình “làng thông minh” còn tồn tại một số bất cập trong đó vướng mắc lớn nhất là chưa hoàn thiện được các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ tiêu chí cụ thể, quy trình xây dựng làng thông minh. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, không tập trung dẫn đến việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số còn hạn chế.
Việc áp dụng cùng lúc nhiều nền tảng số chưa phù hợp điều kiện hạ tầng, văn hóa, canh tác, sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực nhiều khu vực nông thôn còn chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân ở nhiều vùng còn hạn chế, trình độ học vấn còn thấp cho nên việc tiếp thu kiến thức khoa học-kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chưa đạt yêu cầu...
Mặc dù còn những khó khăn, nhưng việc nhân rộng mô hình “làng thông minh” là cần thiết, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, vừa đáp ứng xu thế xã hội. Nhìn sang các nước phát triển, nhất là khu vực châu Âu, việc xây dựng “làng thông minh” từ lâu đã được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn. Ðây cũng là giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đang đặt ra ở khu vực nông thôn như sự già hóa dân số, mức độ cô lập với các khu vực thành thị, khả năng tiếp cận dịch vụ công...
Từ những kinh nghiệm thực tế khi thực hiện thí điểm mô hình “làng thông minh” trong nước cùng với việc học hỏi từ các nước trên thế giới, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp tìm các giải pháp phù hợp để xây dựng và nhân rộng mô hình này ở Việt Nam.
Trong đó vấn đề nòng cốt là hình thành được đội ngũ nông dân số, có trình độ, năng lực sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin để làm chủ được công nghệ, giúp tăng hiệu quả tiếp thu và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, việc ứng dụng, chuyển đổi số ở khu vực nông thôn cần phù hợp tập quán, đời sống văn hóa cộng đồng và sự phát triển kinh tế-xã hội; tránh áp dụng cứng nhắc một mô hình mà cần linh hoạt theo điều kiện từng địa phương.
MINH ANH
https://nhandan.vn/xay-dung-va-nhan-rong-mo-hinh-lang-thong-minh-post740371.html