Thị trường viễn thông ở Việt Nam đã bão hòa, nhưng các nhà mạng di động ảo vẫn được đánh giá còn dư địa để phát triển khách hàng mới.
VNSky là mạng di động ảo mới nhất tại Việt Nam (Ảnh: Minh Hằng).
Thời gian gần đây, tại Việt Nam đã bùng nổ mô hình mạng di động ảo (MVNO). Mạng này cho phép nhà khai thác tiết kiệm tài nguyên nhờ tận dụng hạ tầng từ đối tác để triển khai dịch vụ.
Tính đến nay, đã có tới 5 mạng di động ảo được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động trên toàn quốc, gồm Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và VNSky.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), khái niệm mạng di động ảo và nhà mạng ảo đã không còn mới ở Việt Nam.
"Các nhà mạng ảo ở Việt Nam có nhiều lợi thế như không sở hữu hạ tầng, không cần tham gia xin cấp phép tần số", ông Nhã cho biết.
Bên cạnh đó, quy định về việc cung cấp dịch vụ đối với các nhà mạng ảo tương đối dễ dàng, khi chỉ cần ký hợp đồng mua SIM của các nhà mạng lớn là đã có thể kinh doanh.
Thế nhưng, mô hình này trên thực tế chỉ có dịch vụ cung cấp dừng lại ở mức độ khiêm tốn, chưa tạo được thế mạnh riêng, và chiếm một lượng người dùng rất nhỏ.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ về mạng di động ảo tại họp báo ngày 8/8 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Số liệu của Cục Viễn thông cho biết, tính đến tháng 4/2023, chỉ có khoảng 2,65 triệu thuê bao thuộc về các MVNO tại Việt Nam, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động. Con số này là rất khiêm tốn nếu nhìn ra quy mô thị trường mạng ảo trên thế giới.
Cụ thể, theo số liệu của Global Market Insights, tổng doanh thu của thị trường viễn thông ảo trên toàn thế giới đang ở mức 65 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng lên đến 9%/năm.
Ở Mỹ, hiện có 32 nhà mạng ảo với hơn 50 triệu thuê bao. Ở Trung Quốc có 62 mạng và 75 triệu thuê bao. Ở Đức có 132 nhà mạng cung cấp dịch vụ. Ở Anh, các mạng di động ảo chiếm 20% thị trường trong nước.
Ông Nhã cho rằng để thúc đẩy phát triển, nhà mạng ảo nên hướng đến thị trường ngách mà nhà mạng lớn không thể chạm đến, để tìm một dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng.
Đây được xem là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, và sẽ góp phần thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, tạo thêm nhiều dịch vụ viễn thông trên nền Internet băng rộng.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, Cục đã đưa chính sách "bán sỉ, bán buôn" dung lượng vào luật Viễn thông.
Điều này nhằm tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn, dễ dàng hơn để các nhà mạng có thể đàm phán trong quá trình kinh doanh, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng cao với giá thành tốt.
Nhìn chung, thị trường viễn thông đã bão hòa, nhưng các nhà mạng ảo vẫn được đánh giá còn dư địa để phát triển khách hàng mới.
Thay vì các chính sách "ngắn hạn" như giảm giá cước, tập trung vào dịch vụ viễn thông cơ bản... các mạng ảo nên tập trung xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, từ đó lôi kéo thêm người dùng và nguồn thu.
Đây cũng là mô hình được nhiều mạng di động ảo thành công trên thế giới áp dụng.
Nguyễn Nguyễn/dantri.com.vn