Cách hay: Dùng chung AI để đỡ tốn tiền

Thứ 6, 23.08.2024 | 14:29:08
380 lượt xem

Thay vì tập trung đầu tư AI thì doanh nghiệp, tổ chức nên coi AI như một công cụ hỗ trợ hiệu quả cho công việc

Theo các số liệu thống kê, có tới 99% số công ty của Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng và có ý thức về việc triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, số lượng công ty chuẩn bị chưa tốt lại chiếm đa số.

Với nền tảng chính trị ổn định và thống nhất, Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt quản lý nhà nước trong việc triển khai AI. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của quốc gia. Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Việt Nam có kỳ vọng ứng dụng AI để góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Cụ thể, AI sẽ được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. Nhưng thực tế, khi triển khai, các doanh nghiệp (DN), tổ chức của Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vốn chiếm tới trên 97% tổng số DN cả nước (theo Tổng cục Thống kê), đã gặp phải những thách thức khó vượt qua về việc ứng dụng AI trong hoạt động của mình.

Theo khảo sát của Cisco (Mỹ) về mức độ sẵn sàng về AI, được công bố vào tháng 11-2023, chỉ có khoảng 27% tổ chức tại Việt Nam đã trong tâm thế hoàn toàn sẵn sàng để triển khai và ứng dụng AI. Số có mức độ chuẩn bị trung bình chiếm đa số (42%) và số có mức chuẩn bị thấp (30%). Chỉ có 1% công ty là chưa chuẩn bị.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Khối Kinh doanh, Marketing và Truyền thông SMCG - Tập đoàn Intel, nhận định trong những năm gần đây, nhiều DN Việt đã bắt đầu đưa AI vào các hoạt động quản trị và điều hành để chuẩn bị cho tương lai với AI đóng vai trò trọng tâm, đặc biệt trong lĩnh vực như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử.

Từ năm 2023, nhiều DN đã ứng dụng AI nhưng thiếu tầm nhìn và kế hoạch rõ ràng, dẫn đến sau khi triển khai AI, hiệu quả kinh doanh không rõ ràng hoặc thấp hơn mong đợi. Đa số DN vẫn gặp phải những thách thức khi triển khai công nghệ AI. "Có 2 lý do hạn chế là DN gặp khó khăn trong việc cân bằng chi phí và lập chiến lược khai thác AI hiệu quả; bên cạnh đó là những thách thức vĩ mô liên quan đến các quy định của nhà nước và nguồn nhân lực chuyên môn cho AI" - ông Thắng phân tích.

Các kỹ sư Tập đoàn VNPT ứng dụng AI phát triển dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam Ảnh: VNPT

Các kỹ sư Tập đoàn VNPT ứng dụng AI phát triển dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam Ảnh: VNPT

Cần giải pháp dùng chung

Khi triển khai AI, chi phí sở hữu quá cao là bài toán khó giải cho các DN. Nếu mỗi DN phải tự phát triển một trợ lý AI, mô hình AI riêng, chi phí đầu tư cho phần mềm và phần cứng sẽ vượt quá khả năng tài chính của phần lớn DN.

Vì vậy, giải pháp "con nhà nghèo" trong việc triển khai AI ở Việt Nam rất cần cho cộng đồng DN. Ưu thế của giải pháp khả thi này là tính linh hoạt, đa dạng và thích ứng. Với sự điều phối và hỗ trợ của nhà nước, Việt Nam có thể xây dựng những DN AI lớn để cung cấp các giải pháp ứng dụng AI dùng chung cho các DN. 

Ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc VNPT AI thuộc Tập đoàn VNPT, cho biết: Để xây dựng AI riêng, DN cần 4 trụ cột: con người, hạ tầng, tri thức (dữ liệu), chiến lược đầu tư cụ thể và dài hạn. Và điều này nằm trong tầm tay của các "ông lớn" công nghệ số của Việt Nam. Bằng chứng là trong thời gian qua đã có hàng loạt giải pháp ứng dụng, nền tảng, trợ lý ảo AI "make in Vietnam" được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, từ công tới tư, mang lại hiệu quả cao. 

Chẳng hạn như công nghệ định danh điện tử (eKYC) được nâng cấp với AI đang được nhiều ngân hàng ứng dụng để cải thiện khâu xác thực, xác minh khách hàng. 

Hồi tháng 5-2023, quận Cầu Giấy (Hà Nội) trở thành địa phương đầu tiên ứng dụng ChatGPT để xây dựng AI chatbot hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính công 24/7, giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các dịch vụ công, tạo tiền đề cho việc ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn.

Theo ông Phùng Việt Thắng, để ứng dụng AI, DN cần một nền tảng công nghệ linh hoạt với khả năng mở rộng. Một môi trường điện toán phức hợp và hệ sinh thái mở hỗ trợ DN làm việc với bất kỳ nhà cung cấp nào để lựa chọn được công cụ phần cứng và phần mềm phù hợp cho nhu cầu công việc. Đây sẽ là chìa khóa để vừa giảm chi phí vừa đạt được độ tin cậy cao, hiệu năng và bảo mật tốt hơn. DN cũng cần thay đổi quan niệm về AI, thay vì coi AI là mục tiêu thì nên coi AI như một công cụ giúp đạt tới mục tiêu. Cụ thể, thay cho việc đầu tư bằng mọi giá để sở hữu một mô hình GenAI thế hệ mới, DN nên tập trung vào việc ứng dụng AI hiệu quả giúp tăng tốc quá trình kinh doanh. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/cach-hay-dung-chung-ai-de-do-ton-tien-19624082019520135.htm

  • Từ khóa