Hầu như các khách sạn tại thành phố này vẫn dè dặt “cửa đóng then cài”, số ít khách sạn mở cửa chủ yếu để chuẩn bị chứ chưa đón được khách.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát. Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn được phép đón, phục vụ khách trở lại. Thế nhưng, hầu như các khách sạn tại thành phố này vẫn dè dặt “cửa đóng then cài”, số ít khách sạn mở cửa chủ yếu để chuẩn bị chứ chưa đón được khách.
Sau hơn 1 tháng phải đóng cửa vì dịch Covid-19 đợt thứ hai bùng phát, khách sạn A25, ở quận Hải Châu mở cửa trở lại bắt đầu đón khách. Chị Phan Quỳnh, Giám đốc khách sạn cho biết, khách sạn hoạt động trở lại để giải quyết việc làm cho một số nhân viên chuẩn bị các khâu phòng dịch là chính. Hiện, các khu điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí ở Đà Nẵng vẫn chưa được hoạt động trở lại. Đây cũng là thời điểm học sinh, sinh viên đã bước vào năm học mới nên cũng không hy vọng đón được khách du lịch vào thời điểm này. "Về phía nhân viên, chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp cho mọi người đi làm đủ thu nhập cố định của tháng để cho các bạn vừa có thể giúp đỡ công ty một phần, vừa đảm bảo cuộc sống. Điều suy nghĩ bên phía khách sạn là sợ không có khách, còn việc đảm bảo an toàn phòng dịch thì khách sạn rất yên tâm", chị Quỳnh chia sẻ.
Một số khách sạn mở cửa chỉ để giải quyết việc làm cho một số nhân viên.
Chỉ một số ít khách sạn ở Đà Nẵng mở cửa, chủ yếu để chuẩn bị những công tác về phòng dịch, chưa đón được khách.
Mặc dù được cho phép hoạt động trở lại nhưng hầu như các cơ sở lưu trú tại thành phố Đà Nẵng vẫn rất dè chừng. Các khách sạn ở ven biển vẫn chưa mở cửa. Chỉ có vài khách sạn tại trung tâm thành phố rục rịch hoạt động nhưng cũng chỉ vệ sinh, trang trí... sẵn sàng cho những tháng sắp tới. Ông Trần Văn Cảm, Trưởng bộ phận nhà hàng khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Hàn cho biết, mùa cao điểm du lịch năm trước, khách sạn phải huy động hơn 130 nhân viên, nhưng ở thời điểm này chỉ có 15 người được đi làm trở lại, chủ yếu để dọn dẹp, chuẩn bị các khâu về phòng dịch để đón tiếp khách đảm bảo an toàn. "Nhân lực đi làm chủ yếu là khâu đón tiếp tại khách sạn. Thứ hai là khâu phục vụ phòng để đảm bảo cho khách hàng có sự trải nghiệm dịch vụ lưu trú tốt nhất. Hiện tại, khách sạn chỉ tập trung đón các khách đi công tác", ông Trần Văn Cảm cho biết.
Sông Hàn ở Đà Nẵng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, khó khăn nhất hiện nay là các doanh nghiệp không đủ chi phí để mở cửa trở lại. Bài toán bây giờ là độ lớn về doanh thu và về chi phí, điều này cần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cân nhắc việc mở cửa trở lại. Hiện, Hiệp hội Du lịch đang làm việc với Sở Du lịch thành phố để đưa ra một số kế hoạch tương ứng với các kịch bản kiểm soát dịch.
Cụ thể, kịch bản lạc quan nhất là Đà Nẵng không ghi nhận thêm ca mắc ở cộng đồng. Trong tháng 9 này, Hiệp hội Du lịch sẽ kêu gọi một số doanh nghiệp phối hợp với ngành du lịch thành phố triển khai chương trình để người Đà Nẵng và một số địa phương lân cận đi du lịch tại đây. Hiện nay các khu du lịch như Bà Nà Hills, Núi Thần Tài liên kết với một số khách sạn cam kết tham gia chương trình này để chứng minh cho du khách thấy Đà Nẵng là điểm đến an toàn. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trong tháng 10 hy vọng nếu kiểm soát tốt thì sẽ khai thác các nguồn khách trong nước về Đà Nẵng nằm trong nhóm sản phẩm du lịch an toàn và vẫn có thể vẫn giới thiệu một số sản phẩm du lịch kích cầu. Hy vọng, nửa cuối tháng 10 chúng ta sẽ có khách du lịch trong nước. Khách quốc tế thì còn phải xa hơn. Hy vọng lạc quan nhất là đến Giáng sinh tức là cuối năm chúng ta sẽ có khách quốc tế quay lại./.”
Phương Cúc/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/khach-san-da-nang-de-dat-mo-cua-tro-lai-777728.vov