“Đặc biệt” là từ được các nhà lãnh đạo Nhật Bản đương nhiệm cũng như đã rời nhiệm sở nhắc tới khi nói tới tình cảm dành cho đất nước và con người Việt Nam, trong các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản vừa qua một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam – một đất nước luôn có khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, hai bên vui mừng trước những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực trong nửa thế kỷ qua. Tại thời điểm đầy ý nghĩa này, hai bên bày tỏ niềm tin vào tương lai tươi sáng của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong nửa thế kỷ tới. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp, nhưng vẫn còn đó những ấn tượng sâu đậm trong nhóm phóng viên tháp tùng Thủ tướng về những kết quả vừa thiết thực, cụ thể, vừa mang tính chiến lược, toàn diện từ chuyến thăm. Những kết quả tốt đẹp chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực, lâu dài tới quan hệ song phương và tương lai phát triển của mỗi nước.
Làn gió ấm trong quan hệ Việt – Nhật
Ngược dòng lịch sử, mối quan hệ giao lưu Việt Nam - Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, để lại những di sản quý báu cho thế hệ hôm nay, điển hình như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) và con đường tơ lụa nối Hội An với các thương cảng của Nhật. Ngay trước thềm chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời phỏng vấn những cơ quan báo chí lớn nhất của Nhật và nhắc tới Hội An – mà ngày nay đã trở thành di sản văn hóa thế giới – như một biểu tượng của quan hệ sâu đậm giữa hai nước.
Thực vậy, qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau, sự tương đồng và lịch sử quan hệ lâu đời trong lĩnh vực văn hóa, chan hòa tình cảm hữu nghị, tin cậy, hiểu biết của hai dân tộc, của nhân dân hai nước chính là nền tảng để mối quan hệ Việt – Nhật phát triển vượt bậc trong những năm qua và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay.
Nhắc đến vị trí Việt Nam đối với Nhật Bản, người ta nhắc đến hai người tiền nhiệm của đương kim Thủ tướng Kishida Fumio là nguyên Thủ tướng Abe Shinzo và nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm sau khi nhậm chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức.
“Ba lần đầu tiên ấy đã thể hiện mối quan hệ song phương hết sức tốt đẹp. Ngay năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đến thăm Việt Nam bất chấp giữa đại dịch COVID-19. Điều đó có nghĩa, cơ chế hoạt động để thúc đẩy quan hệ này luôn được duy trì, dù trong điều kiện khó khăn nhất”. Đây là những chia sẻ từ đáy lòng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc tại Nhật.
Trên những nền tảng tốt đẹp đó, không khí các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với các nhà lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Nhật đều hết sức thân tình, ấm áp, thực sự là những bạn bè lâu ngày mới gặp lại. Ngoài tình cảm hữu nghị giữa hai nước, các nhà lãnh đạo Việt Nam và các thế hệ lãnh đạo Nhật Bản đều có mối quan hệ cá nhân gắn bó, thân tình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng là Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Việt - Nhật, còn Thủ tướng Kishida Fumio từng là thành viên và giữ chức Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt trong thời gian dài. Thủ tướng Kishida đã mở đầu cuộc hội đàm bằng những lời nói rất chân thành: "Tôi rất vui mừng được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính - người bạn thân thiết của tôi, vị khách quý nước ngoài đầu tiên của chính quyền mới Nhật Bản... 20 năm qua, là thành viên Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt, với tôi, Việt Nam là một đất nước đặc biệt và có lương duyên với Nhật Bản".
Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản được tổ chức trọng thể. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước Nhật Bản không chỉ là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam mà còn rất gần gũi với nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc. "Ngài là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam... Với vai trò là người tiên phong nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trước đây, việc Ngài trở thành người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Nhật Bản hiện nay khiến tôi càng vững tin vào tương lai tươi sáng của hợp tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Tôi cảm nhận rõ bầu không khí thân tình, tin cậy, ấm áp như gió mùa xuân ngay khi đặt chân đến Tokyo và khi gặp lại Ngài hôm nay...", Thủ tướng phát biểu mở đầu cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản.
Tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko đánh giá cao việc hai bên ủng hộ lẫn nhau trong phòng chống dịch bệnh COVID-19; khi Nhật Bản khó khăn, Việt Nam ủng hộ, thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên như câu ngạn ngữ “Càng khi khó khăn, càng rõ ai là bạn tốt”. Nhật Bản cũng là nước hết sức đặc biệt khi bất kể đảng phái nào cầm quyền cũng đều nhất quán quan điểm tiếp tục ủng hộ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong các cuộc gặp của Thủ tướng với lãnh đạo Đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền, Đảng Cộng sản Nhật Bản.
Cũng trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các cuộc gặp gỡ với 3 nguyên Thủ tướng Nhật Bản: Suga Yoshohide, Abe Shinzo và Hatoyama Yukio. Đây cũng là điều hiếm có trong các chuyến thăm Nhật của các nhà lãnh đạo nước ngoài. Các nguyên Thủ tướng đều dành cho Việt Nam những tình cảm thân thiết và sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam làm sâu đậm hơn quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước. Nói như nguyên Thủ tướng Abe Shinzo, ông dành tình cảm quý mến đặc biệt với những kỷ niệm sâu sắc về đất nước và nhân dân Việt Nam.
Có thể nói, nhiều thế hệ lãnh đạo Việt Nam đã cùng các nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cất cánh, bay cao. Năm 2023 là năm hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, nhìn lại quan hệ hai nước trong thời gian qua, đặc biệt sau hơn 35 năm đổi mới, Nhật Bản là một trong những đối tác đã góp phần rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và đổi mới của Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ để thực hiện thành công các dự án nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, sự hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai nước. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhân dân Việt Nam luôn dành tình cảm, sự trân trọng, quý mến và tin cậy lớn dành cho đất nước và con người Nhật Bản và trong chuyến thăm này của Thủ tướng, tình cảm giữa nhân dân, giữa các địa phương hai nước càng được củng cố. Ngay ngày hoạt động đầu tiên, Thủ tướng dành gần trọn cả ngày để đến tỉnh Tochigi (cách Tokyo hơn 100km về phía Bắc) để dự các hoạt động giao lưu, xúc tiến hợp tác giữa tỉnh Tochigi với tỉnh Vĩnh Phúc và một số địa phương khác của hai nước. Tại đây, người dân đứng hàng dài suốt mấy phố, tay cầm cờ Việt Nam và Nhật Bản vẫy chào Đoàn.
Tình cảm đó còn thể hiện qua những “món quà” rất cụ thể, như ngay trong chuyến thăm này, tập đoàn SMBC đã đóng góp 1 triệu USD cho công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam. Đặc biệt, phía Nhật Bản đã viện trợ thêm hơn 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam, nâng tổng số vaccine viện trợ Việt Nam lên 5,6 triệu liều.
Khát vọng và tầm nhìn phát triển
Việc đến tỉnh Tochigi cũng không phải lựa chọn ngẫu nhiên của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Tochigi có thu nhập bình quân đầu người cao thứ 3 trong các địa phương của Nhật, phát triển trình độ cao theo hướng hiện đại, bền vững, chú trọng phát triển hài hóa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, cân bằng giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ và du lịch. Đây thực sự là một hình mẫu đáng học hỏi đối với Việt Nam.
Làm việc với Thống đốc tỉnh này, Thủ tướng chia sẻ, ông từng làm Bí thư Tỉnh ủy nên rất hiểu áp lực và những khó khăn của lãnh đạo địa phương. Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công tác này có lãnh đạo 10 tỉnh của Việt Nam. Có lẽ, không chỉ muốn thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương Việt – Nhật, Thủ tướng còn muốn truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ cho các địa phương này. Thực tế thì đất nước và con người Nhật Bản luôn là một tấm gương về tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ gian khó sau chiến tranh và trong bối cảnh hiện nay, tinh thần này là rất quan trọng với các địa phương của Việt Nam.
Khát vọng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam cũng là điều được phía Nhật Bản cảm nhận rõ rệt qua chuyến thăm của Thủ tướng. Chuyến thăm từ ngày 22 đến ngày 25 nhưng thực tế chỉ có 2,5 ngày làm việc, bởi đoàn Việt Nam đến Tokyo vào tối muộn ngày 22 và đến trưa ngày 25 đã bắt đầu rời Tokyo về nước. Trong 2,5 ngày ngắn ngủi đó, Thủ tướng Chính phủ đã có gần 50 cuộc làm việc. Tại các cuộc gặp này, con số các lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học… của Nhật Bản được Thủ tướng gặp gỡ lên tới hàng trăm.
Tình cảm hữu nghị, tin cậy, hiểu biết của hai dân tộc, của nhân dân hai nước chính là nền tảng để mối quan hệ Việt – Nhật phát triển vượt bậc trong những năm qua và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng, các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được nối lại sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu về một Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát hiệu quả đại dịch, phục hồi phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, ưu đãi nhất để các tập đoàn mở rộng quy mô đầu tư, yên tâm đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng giới thiệu những nét lớn về tình hình đất nước, những định hướng chính sách quan trọng, những ưu tiên chính của Việt Nam trước mắt, trung hạn và dài hạn. Trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, gắn kết với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, cùng với việc nâng cao năng lực quản trị, gồm quản trị quốc gia, quản trị ngành và quản trị doanh nghiệp... Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, cơ hội lớn và đặc biệt chú trọng trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản vốn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Nhật có trình độ công nghệ và tiềm lực hàng đầu thế giới.
Cũng như trong các chuyến công tác nước ngoài khác, lần này, Thủ tướng tận dụng từng phút, chắt chiu từng cơ hội để gặp gỡ, để bàn chuyện, để tìm các cơ hội thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư, để quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam. Đơn cử, Thủ tướng đã tiếp một doanh nghiệp Nhật Bản đang rất mong muốn tìm hiểu, đầu tư, đào tạo nhân lực và cả chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khai thác, chế biến cá nóc tại Việt Nam. Theo doanh nghiệp này, Việt Nam có những loại cá nóc ngon hơn cả Nhật Bản – nơi mà món ăn độc đáo này là một đặc sản. Ngay lập tức, Thủ tướng cho biết rất ủng hộ việc này về nguyên tắc, bởi sự tham gia của doanh nghiệp Nhật có thể giúp chúng ta phát huy nguồn lợi từ loại hải sản đang bị lãng phí này tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hiếm có là các doanh nghiệp Nhật Bản nếu gặp khó khăn, vướng mắc ở Việt Nam mà các cấp thẩm quyền liên quan không giải quyết được thì có thể trực tiếp phản ánh đến Thủ tướng. Kết quả, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật đều bày tỏ hoan nghênh, tin tưởng vào những quyết đoán, cam kết mạnh mẽ đó của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và họ cũng ngay lập tức đáp lại bằng những khẳng định quyết tâm mở rộng đầu tư, sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam trong những năm tới.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đều cho rằng, thời điểm chuyến thăm rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế sau đại dịch; đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; khẳng định niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện của Việt Nam. Các nhà đầu tư đánh giá cao Việt Nam về sự ổn định chính trị, việc triển khai các khâu đột phá chiến lược và yếu tố con người với quyết tâm và khát vọng vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng cho biết, ông đã nhận được từ Thủ tướng Phạm Minh Chính những cam kết mạnh mẽ về tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Về phần mình, Nhật Bản mong muốn Việt Nam trở thành trung tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, đồng thời trở thành một hình mẫu trong các nước đang phát triển về chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, bền vững, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là mong muốn và cũng là kỳ vọng, tin tưởng của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Thực tế, phía Nhật có cơ sở để tin tưởng vào Việt Nam. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shicichi Kitaoka đánh giá cao hiệu quả của các dự án ODA của Việt Nam và cho biết JICA sẽ nhân rộng những mô hình rất thành công trong việc hỗ trợ xây dựng các bệnh viện lớn ở Việt Nam trong nhiều năm qua để triển khai xây dựng 100 bệnh viện ở các nước khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các trí thức, nhà khoa học người Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nguồn lực con người –quan tâm hàng đầu của Thủ tướng
Đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực rất thành công và còn tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai nước. Chủ tịch JICA cho biết, trong số các Bộ trưởng hiện nay của Chính phủ Việt Nam, có tới 10 vị từng tham gia các khóa đào tạo tại Nhật Bản. Thủ tướng bổ sung thêm, còn 10 Bí thư Tỉnh ủy của Việt Nam từng được đào tạo tại Nhật.
Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hết sức quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ và thúc đẩy hợp tác nhân lực với Nhật Bản. Trong chuyến thăm lần này, tại tất cả các cuộc gặp, vấn đề đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đều được ông đề cập và đặc biệt, ông rất trăn trở và mong muốn phía Nhật hỗ trợ để Việt Nam có được nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức đạt đẳng cấp quốc tế, có thể đáp ứng được môi trường làm việc toàn cầu. Ông cũng nhiều lần chia sẻ với phía Nhật Bản: Việt Nam xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Con người là một trong những yếu tố của nội lực, mà nội lực đóng vai trò cơ bản, quyết định, lâu dài và chiến lược với sự phát triển của quốc gia.
Một ấn tượng về đất nước và con người Nhật Bản khi chúng tôi tháp tùng đoàn tới tỉnh Tochigi. Đó là khi các nhân viên chính quyền tỉnh này hết sức cẩn thận giữ thật sạch tấm thảm đỏ để đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và họ sẵn sàng quỳ xuống để làm sạch khi có người vô tình làm dây ra những vệt màu khác trên tấm thảm. Chi tiết nhỏ này vừa khẳng định sự trọng thị, tình cảm dành cho cá nhân Thủ tướng và đất nước, con người Việt Nam, vừa cho thấy những phẩm chất quý báu của người Nhật: Cần cù, cẩn trọng, chu đáo, đặt yêu cầu và trách nhiệm rất cao trong công việc. Đó cũng là những phẩm chất của một dân tộc có thể vươn lên mạnh mẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào để khẳng định mình.
Mặc dù hết sức bận rộn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp các trí thức, nhà khoa học người Việt Nam tại Nhật Bản. Ông dành thời gian lắng nghe giới thiệu về các thành tựu nghiên cứu mới và cũng gợi mở nhiều “đề tài” nghiên cứu với các nhà khoa học này, liên quan tới những vấn đề mà thực tiễn điều hành đất nước đặt ra. Thời gian tới, Thủ tướng sẽ tiếp tục có các cơ chế làm việc cụ thể (trong đó có hình thức trực tuyến) với các nhà khoa học tại Nhật theo các lĩnh vực như kinh tế, y tế, công nghệ thông tin… để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn “tài nguyên” trí tuệ từ đội ngũ trí thức này – một thành quả của “mối lương duyên” Việt – Nhật.
Với chương trình làm việc dày đặc, mạnh mẽ, quyết đoán và năng động, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tranh thủ được mọi cơ hội, phát huy tối đa hiệu quả của các hoạt động, thuyết phục được các nhà lãnh đạo, chính giới, các đảng phái, giới trí thức, doanh nghiệp và nhân dân Nhật Bản để hiểu, chia sẻ và ủng hộ Việt Nam trên con đường phát triển đất nước. Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được báo giới và dư luận Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Nhóm nhà báo chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi chứng kiến số lượng phóng viên "áp đảo" của nước chủ nhà trong các sự kiện. Trước chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn báo chí hàng đầu của Nhật Bản như Kyodo, NHK, Asahi Shimbun, Yomiuri Shimbun...
Chúng tôi được những người bạn Nhật Bản cho biết câu ngạn ngữ “Xuân phong tiếp nhân”, tiếp xúc với người khác ấm áp như gió xuân. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Nhật Bản đã thực tâm, chân thành dành tình cảm ấm áp đó cho phía Việt Nam. Trong khu vực văn hóa Á Đông mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều thuộc về, xuân phong hay còn gọi là đông phong (gió thổi từ phía Đông mang hơi ấm và hơi ẩm của biển) đều mang ý nghĩa cơn gió tốt lành.
Thành công hơn cả mong đợi, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần củng cố tình cảm thân thiết, gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc, tạo những nền tảng vững chắc để đưa quan hệ hai nước phát triển sâu hơn, rộng hơn, cao hơn. Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, hai bên vui mừng trước những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực trong nửa thế kỷ qua. Tại thời điểm đầy ý nghĩa này, hai bên cũng bày tỏ niềm tin vào tương lai tươi sáng của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.
Chuyến thăm của Thủ tướng cũng một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam, đem lại những kết quả thực chất và có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Hà Văn/baochinhphu.vn