Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số: Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng

Thứ 3, 11.10.2022 | 14:57:10
1,143 lượt xem

Trong những năm qua, công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đổi mới, từ đó nâng cao chất lượng chương trình học, giúp học viên ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn tại địa phương.

Có mặt tại lớp học tiếng Tày do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cao Lộc phối hợp với Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) số 2, Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc (huyện Cao Lộc) tổ chức, chúng tôi cảm nhận không khí lớp học diễn ra rất sôi nổi với sự tương tác giữa giáo viên và học viên. Không chỉ đơn thuần là giáo viên đọc mẫu, học viên chép mà tiết học còn được sân khấu hóa bằng các hoạt cảnh có phân vai để thực hành các từ mới.

Lớp học tiếng dân tộc thiểu số tại trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn với các học viên là cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh (10/2022)

Thượng úy Hoàng Đình Quyết, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn CSCĐ số 2 cho biết: Kể từ khi khai giảng (tháng 9/2022) đến nay chúng tôi đã học được 6 buổi (3 buổi/tuần). Mỗi tiết học giảng viên đều sử dụng nhiều hình thức truyền đạt trực quan khác nhau. Không bó hẹp theo giáo trình, giảng viên còn dạy cho chúng tôi những từ ngữ chuyên ngành áp dụng trong công tác nghiệp vụ, tìm hiểu về các phong tục tập quán để chúng tôi thêm hiểu, gần gũi với người dân địa phương.

 Được biết, các lớp dạy và học tiếng DTTS bắt đầu được tổ chức trên địa bàn tỉnh từ năm 2009, gồm tiếng Tày, tiếng Nùng. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục thực hiện tổ chức các lớp học tiếng DTTS cho các học viên, bao gồm: 11 trung tâm GDNN-GDTX các huyện, tỉnh và Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Lạng Sơn.

Kể từ năm 2016, khi hoạt động dạy học tiếng DTTS đã đi vào ổn định, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 20 lớp được tổ chức, bên cạnh việc duy trì tuyển sinh, các cơ sở giáo dục còn quan tâm đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng DTTS.

Cô Mông Thị Vân Anh, Giáo viên dạy tiếng DTTS, Trường CĐSP Lạng Sơn cho biết: Tôi dạy tiếng DTTS từ những lớp đầu tiên (năm 2009) cho đến nay. Từ năm 2016 tôi đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy như sử dụng phần mềm PowerPoint soạn bài giảng, tích hợp tranh, ảnh, video clip với các nội dung liên quan đến phong tục tập quán, hát dân ca của người Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tôi đặc biệt chú trọng đến việc tăng thời lượng và chất lượng các hoạt động ngoại khóa tại địa bàn của người DTTS để học viên có cơ hội thực hành giao tiếp và tìm hiểu về phong tục tập quán.

Bên cạnh sự tích cực từ giáo viên, một trong những đổi mới trong công tác dạy và học tiếng DTTS là cuốn Tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Tày được UBND tỉnh phê duyệt xuất bản năm 2020. Được biết trước đó, các lớp tiếng Tày trên địa bàn tỉnh đều sử dụng giáo trình, tài liệu do nhóm biên soạn của tỉnh Thái Nguyên thực hiện. Tiếng Tày giữa tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn với sự giao thoa giữa các vùng miền dẫn tới có nhiều âm tiết khác nhau, hiệu quả ứng dụng chưa cao. Năm 2020, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT tổ chức chỉnh sửa, bổ sung chương trình tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Tày.

Theo đó, 8 cán bộ, giáo viên của Trường CĐSP Lạng Sơn được phân công đã biên soạn lại bộ tài liệu này dựa trên ngôn ngữ của người Tày Lạng Sơn. Với hình thức hiện đại, dễ hiểu, kèm theo đĩa ghi âm các bài với nội dung thiết thực, gần gũi với tiếng thường dùng của người Tày Lạng Sơn, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt ban hành, cuốn tài liệu này đã trở thành giáo trình chính thức trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2021 đến nay.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Những chuyển biến, đổi mới trong dạy và học tiếng DTTS thời gian qua đã góp phần thu hút sự quan tâm, đăng ký tham gia học của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức trên địa bàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Hằng năm, sở cũng thường xuyên thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức dạy học, kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng DTTS tại các đơn vị nhằm đảm bảo việc thực hiện dạy học có hiệu quả, chất lượng, để người học có thể sử dụng được tiếng DTTS trong giao tiếp và trong công việc.

Việc am hiểu tiếng nói, văn hóa, phong tục tập quán sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức thuận lợi hơn khi công tác tại các khu vực sinh sống của người DTTS ở Lạng Sơn. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh tổ chức được trên 200 lớp tiếng dân tộc Tày với trên 9.000 học viên, gần 20 lớp tiếng dân tộc Nùng với khoảng 600 học viên; trong đó có trên 8.000 học viên đã được cấp chứng chỉ.


HOÀNG NHƯ/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/532815-day-va-hoc-tieng-dan-toc-thieu-so-doi-moi-phuong-phap-nang-cao-chat-luong.html

  • Từ khóa