Đình Lập: Quan tâm phát triển rừng gỗ lớn

Thứ 6, 30.12.2022 | 10:07:40
1,039 lượt xem

Đình Lập là một trong những huyện có diện tích đất rừng lớn của tỉnh với khoảng 93.000 ha. Với lợi thế đó, những năm qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện đã định hướng người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ trồng rừng.

Đến xã Bính Xá hiện nay, chúng ta dễ dàng chứng kiến nơi đây được bao phủ một màu xanh ngút ngàn của các loại cây gỗ lớn như: Thông, quế… Ông Đặng Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Bính Xá cho biết: Toàn xã hiện nay có khoảng 6.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn, trong đó, chủ yếu là cây thông, quế, hồi. Trong số các loài cây này, thông rất hợp với điều kiện tự nhiên của xã, do vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng tuyên truyền, mở từ 2 lớp tập huấn cho người dân tại 14/14 thôn để mở rộng diện tích. Theo đó, mỗi năm, toàn xã trồng từ 80 đến 100 ha rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Người dân xã Đình Lập chăm sóc thông

Từ trồng rừng, đặc biệt là loại cây gỗ lớn, người dân ở xã Bính Xá đã có nguồn thu nhập ổn định. Gia đình ông Hoàng Văn Bộ, thôn Pò Háng là một ví dụ. Ông Bộ cho biết: Gia đình tôi trồng rừng từ năm 1998 theo dự án trồng rừng Việt Đức với trên 2 ha, chủ yếu là thông mã vĩ. Khoảng 5 năm đầu, gia đình khai thác nhựa thông. Nhận thấy gỗ cây thông tốt, tôi đã tập trung chăm bón để khai thác gỗ. Đến năm 2014, gia đình khai thác gỗ và thu được trên 200 triệu đồng. Sau khai thác, tôi bắt đầu trồng mới và mở rộng diện tích. Hiện nay, gia đình có khoảng 15 ha thông, cây đang sinh trường và phát triển tốt.

Không chỉ riêng ở Bính Xá, thời gian qua, tại các xã như: Bắc Xa, Đình Lập, Kiên Mộc… đều mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, chủ yếu là các loại cây: hồi, quế, thông, keo tai tượng… Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập, toàn huyện hiện có khoảng 93.000 ha đất có rừng, trong đó, có 60.000 ha rừng trồng. Nhận thấy việc phát triển trồng rừng gỗ lớn có ý nghĩa quan trọng, từ năm 2015, cấp ủy, chính quyền huyện đã tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân trồng và phát triển cây gỗ lớn.

Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Thực hiện phát triển rừng gỗ lớn, thời gian qua, hạt đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và công tác bảo vệ phát triển rừng. Theo đó, tính riêng trong năm 2022, chúng tôi đã tổ chức được 10 hội nghị tuyên truyền lồng ghép ở cấp xã và 46 hội nghị cấp thôn về phát triển và bảo vệ rừng, trong đó có kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn. Qua đó, người dân nắm được kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn chăm sóc cây lâm nghiệp. Ngoài ra, hạt còn hỗ trợ giống cây lâm nghiệp cho người dân trồng cây phân tán chủ yếu là các loài gỗ lớn như: thông, lát hoa, dổi, lim xanh. Riêng năm 2022, hạt hỗ trợ được gần 2.300 cây cho bà con.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh giai đoạn 2020 – 2030, từ năm 2020 đến nay, ngành chức năng đã triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững cho 42 nhóm hộ với diện tích hơn 4.500 ha rừng trồng keo tai tượng và thông mã vĩ tại 5 xã của huyện Đình Lập. Qua đó, định hướng người dân phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao sản lượng, chất lượng gỗ rừng trồng, là điều kiện cho xuất khẩu lâm sản.

Ngoài ra, cơ quan chức năng huyện còn hướng dẫn người dân thực hiện mô hình chăn nuôi và trồng dược liệu dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, toàn huyện có hơn 30 mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng với tổng đàn trên 20.000 con, thu nhập đạt từ 100 đến 300 triệu đồng/năm; phát triển được trên 300 ha cây dược liệu các loại. Từ đó, người dân có điều kiện kinh tế để xoay vòng vốn đầu tư chăm sóc rừng.

Từ các giải pháp trên, diện tích rừng trồng mới của huyện ngày càng được mở rộng. Riêng năm 2022, toàn huyện trồng mới 1.450 ha rừng, trong đó, có 450 ha rừng trồng cây gỗ lớn, nâng tổng diện tích trồng cây gỗ lớn của huyện lên khoảng 50.000 ha, chủ yếu là thông mã vĩ, keo tai tượng. Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện, trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả thiết thực, nâng giá trị sản phẩm gỗ. Cụ thể, trên diện tích khai thác 1 ha cây gỗ lớn, người dân thu nhập được 200 – 300 triệu đồng với chu kỳ khai thác 10 – 12 năm. Trong khi đó, trên 1 ha rừng trồng cây gỗ nhỏ, người dân khai thác chỉ thu về 70 – 100 triệu đồng với chu kỳ 5 – 7 năm.

Với giá trị đó, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng huyện tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cây gỗ lớn với mục tiêu trồng 300 ha/năm. Qua đó, nhằm đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho bà con và góp phần tăng tỷ lệ độ che phủ rừng, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.


Cát Tiên/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/551070-dinh-lap-quan-tam-phat-trien-rung-go-lon.html

  • Từ khóa