Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần tích cực phát triển và tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng các thành tựu khoa học vào đời sống, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nông dân xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc cây chanh rừng
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Xác định khoa học công nghệ là chìa khóa để thành công, trong thời gian qua, Sở KH&CN đã tăng cường triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Việc triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được chúng tôi thường xuyên quan tâm, kiểm tra, đôn đốc nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng nội dung nghiên cứu. Sau khi hoàn thành nghiên cứu các dự án đều được ứng dụng vào thực tiễn công việc, đời sống, sản xuất và phát huy hiệu quả tích cực.
Từ năm 2021 trở lại đây, mỗi năm Sở KH&CN triển khai quản lý từ 40 đến 60 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia. Đơn cử như năm 2023, Sở thực hiện 4 đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia, trong đó, 3 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi; 1 đề tài KH&CN cấp thiết địa phương. Sở quản lý và theo dõi 66 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, trong đó, 4 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi; 1 đề tài thuộc Chương trình nhiệm vụ cấp thiết địa phương; 17 đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; 20 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn; 7 đề tài thuộc lĩnh vực y dược; 4 đề tài thuộc lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ; 7 đề tài thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 6 dự án thuộc đề án bảo tồn nguồn gen; 1 dự án về sở hữu trí tuệ. Các nhiệm vụ, dự án đều tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào các lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tập trung nghiên cứu về giống và quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của tỉnh như: Trám đen, mít, dứa, măng bát độ, trà hoa vàng, đào Mẫu Sơn, gà, cá…; lĩnh vực kỹ thuật công nghệ nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thiết bị; lĩnh vực y dược nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị bệnh, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển sản xuất, chế biến cây dược liệu và sản phẩm dược liệu; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực dạy học, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, công tác dân vận…
Để các đề tài nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện, đáp ứng nhu cầu lao động, sản xuất trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở KH&CN đã gửi thông báo tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học đến tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ thực tiễn công việc, sản xuất, các cơ quan, đơn vị sẽ đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học. Sau khi tập hợp đề xuất từ các đơn vị, Sở KH&CN chủ trì thành lập các hội đồng KH&CN để đánh giá sự cấp thiết, hiệu quả kinh tế, xã hội của các đề tài. Trên cơ sở đó, Hội đồng KH&CN tỉnh đề xuất UBND tỉnh phê duyệt danh mục các đề tài, dự án, sau đó tiến hành tuyển chọn, giao cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Nhờ đó, mỗi năm có hàng chục đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học trên tất cả các lĩnh vực như: Công nghệ sinh học; y dược; nông nghiệp và phát triển nông thôn… được triển khai thực hiện. Để các đề tài, nhiệm vụ khoa học triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo các yêu cầu đề ra, Sở KH&CN thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra từ 1 đến 4, 5 lần đối với từng đề tài, tùy theo lĩnh vực cụ thể. Sau khi có kết quả nghiên cứu, các nhóm triển khai thực hiện đề tài đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các đổi tượng liên quan nhằm sớm triển khai thành tựu nghiên cứu vào thực tiễn.
Những thành tựu về KH&CN của tỉnh được khẳng định qua việc ngày càng có nhiều kết quả các đề tài, dự án, nhiệm vụ được ứng dụng vào thực tiễn. Tiêu biểu như: đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu công nghệ bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm vịt quay Lạng Sơn” do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn triển khai từ năm 2021 đến năm 2022. Qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào quá trình chế biến, vịt sau khi quay được đóng gói, hút chân không có thể bảo quản trong thời gian 15 ngày. Kết quả nghiên cứu này hiện đang được nhiều cơ sở chế biến vịt quay ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Anh Vũ Giang Cường, chủ cơ sở vịt quay Nguyên Sinh, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây, vịt quay chỉ dùng trong ngày, để qua đêm là mất đi hương vị thơm ngon ban đầu. Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học từ đề tài “Nghiên cứu công nghệ bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm vịt quay Lạng Sơn” mà vịt quay có thời gian bảo quản lên đến 2 tuần. Khi cần thưởng thức, khách hàng chỉ cần cho vào lò vi sóng hâm nóng là đã có món vịt quay thơm ngon, nóng hổi như mới ra lò. Nhờ đó, hiện nay mỗi ngày tôi bán hơn 200 con vịt quay, trong đó 70% là tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đây, các sản phẩm, đặc sản chủ lực trên địa tỉnh chủ yếu chỉ là chế biến thô, nhờ ứng dụng các thành tựu KH&CN để chế biến sâu mà giá trị ngày càng được nâng lên. Tiêu biểu như măng tre bát độ với các sản phẩm măng chế biến sẵn, măng chua; mít Hữu Lũng ngoài ăn tươi còn có mít sấy dẻo; trám đen được ứng dụng công nghệ chế biến thành trám ngâm mắm, trám đen sấy khô ăn liền…; nhiều sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh cũng được xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý như: xây dựng nhãn hiệu tập thể cá lồng Văn Quan, phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bảo Lâm…
Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh có từ 10 đến 20 đề tài, dự án được nghiệm thu, trong đó, 100% các đề tài, dự án được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, sản xuất. Thông qua việc tham gia vào các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học, nông dân, cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đã có những kiến thức mới về KH&CN, từ đó, tích cực áp dụng vào đời sống, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.
Theo baolangson.vn