Thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện thủ đoạn các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện thông báo khách hàng có đơn hàng để yêu cầu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong Nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh tuyên truyền kỹ năng sử dụng mạng internet, mạng xã hội, phòng tránh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho học sinh trên địa bàn
Cuối tháng 9/2024, chị Trần Thị Bích, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn nhận được cuộc gọi điện thoại di động từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên shipper nói chị có đơn hàng trị giá 100 nghìn đồng và nói sẽ qua nhà giao. Chị Bích cho biết: Do trước đó tôi có đặt hàng trên mạng nên không nghi ngờ gì, đồng thời khi ấy tôi và gia đình không ai ở nhà nên tôi đã nói với shipper cứ nhét hàng qua khe cổng và gửi số tài khoản để chuyển tiền thanh toán.
Sau khi chuyển khoản thành công, đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản chị Bích, đồng thời gửi cho chị đường link qua trang facebook cá nhân và số điện thoại giả mạo trung tâm để chị liên hệ hủy đăng ký hội viên. Do nghi ngờ lừa đảo nên chị đã không làm theo hướng dẫn; tuy nhiên sau đó đối tượng vẫn tiếp tục nhắn tin hướng dẫn chị hủy đăng ký theo đường link. “Vừa mất tiền, vừa bị gây phiền phức, điều đó khiến tôi rất bức xúc”, chị Bích cho hay.
Còn anh Lầu Minh Hoàng, trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn thì chia sẻ: Đầu tháng 10/2024, tôi nhận được cuộc điện thoại từ người lạ, họ tự xưng là shipper và nói rằng tôi có đơn hàng trị giá 150 nghìn đồng. Do trước đó tôi có đặt hàng trên mạng với giá trị tương tự và không ở nhà nên đã bảo shipper lấy hàng qua nhà và sẽ có người trả tiền. Tuy nhiên, khi trở về tôi hỏi người nhà thì biết rằng không có ai đến giao hàng cả. Anh Hoàng bộc bạch: Nếu khi đó tôi nói “shipper” nhắn số tài khoản để chuyển thanh toán thì chắc tôi đã bị lừa chiếm đoạt tiền.
Không chỉ 2 trường hợp trên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều người dân phản ánh về việc bị đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên shipper thông báo có đơn hàng để yêu cầu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt. Theo tìm hiểu, tính từ tháng 8/2024 đến nay, trên địa bàn có khoảng 20 trường hợp phản ánh về tình trạng này tại các hội nghị, "Diễn đàn công an lắng nghe ý kiến Nhân dân" hoặc trên mạng xã hội... Ngoài ra, trong thực tế còn nhiều trường hợp gặp phải tình huống tương tự nhưng do số tiền bị lừa chiếm đoạt không lớn nên không trình báo cơ quan chức năng.
Thượng tá Hoàng Gia Định, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng là thu thập thông tin cá nhân qua việc người dân để lại thông tin cá nhân trên các trang mua hàng online; qua các phiên livestream trên mạng xã hội; truy cập vào các trang mua hàng trên nền tảng mạng xã hội… Sau đó, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, tự xưng là nhân viên giao hàng mà khách đã đặt mua, đưa ra các thông tin liên quan đến đơn hàng để tạo lòng tin và hỏi khách có nhà không. Các đối tượng thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ dẫn dắt “con mồi” đưa địa chỉ để gửi hàng; sau đó gọi điện là đã gửi hàng và hối thúc khách hàng thanh toán để bị hại nhanh chóng chuyển tiền qua tài khoản nhằm chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng thường lựa chọn các đơn hàng có giá trị nhỏ (khoảng dưới 200 nghìn đồng) để người dân chủ quan. Do bận hoặc không có ở nhà để nhận hàng, số tiền thanh toán không lớn và mất cảnh giác nên không ít khách hàng đã chuyển khoản thanh toán cho đối tượng.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi nhận được tiền, các đối tượng tiếp tục gọi điện thông báo cho bị hại là gửi nhầm số tài khoản để đăng ký thẻ hội viên shipper của các đơn vị vận chuyển, nếu thực hiện chuyển tiền thì hệ thống sẽ tự động kích hoạt thẻ thành viên và hàng tháng sẽ bị trừ 3 – 4 triệu đồng trong tài khoản. Lúc này, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn có chứa các đường link mà các đối tượng nói là của hệ thống giao hàng để giúp bị hại hủy dịch vụ đăng ký thẻ hội viên. Sau khi bị hại truy cập vào đường link đó thì hệ thống yêu cầu nhập các thông tin cá nhân để hủy đăng ký, lúc này các thông tin ngân hàng của bị hại đã bị đánh cắp và có nguy cơ mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng.
Trước thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream. Cùng đó, nâng cao tinh thần cảnh giác khi thanh toán nhận hàng trực tuyến, luôn thực hiện xác minh thông tin liên quan đến đơn hàng, dịch vụ trực tuyến...
Khi phát hiện bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng khóa tài khoản ngân hàng và thông báo cho ngân hàng để ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp; báo ngay vụ việc đến cơ quan công an để được hỗ trợ điều tra và xử lý kịp thời.
Theo baolangson.vn