Hình ảnh tấm biển cấm đỗ xe đặt dưới lòng đường phía trước một nhà hàng ở Hải Dương lan truyền trên mạng xã hội đang làm nóng lại chủ đề gây tranh cãi từ nhiều năm nay: Đỗ xe như thế nào là đúng?
Hình ảnh đang được chia sẻ rộng rãi và tạo tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội (Ảnh: Otofun).
Biển báo cấm dừng, đỗ xe theo quy định pháp luật
Thông tư 54/2019/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ có quy định tiêu chuẩn về biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe như sau:
Biển số P.130 "Cấm dừng xe và đỗ xe":
Biển số P.130 "Cấm dừng xe và đỗ xe"
- Để báo nơi cấm dừng xe và đỗ xe, đặt biển số P.130 "Cấm dừng xe và đỗ xe".
- Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới dừng và đỗ ở phía đường có đặt biển trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Đối với các loại xe ô tô buýt chạy theo hành trình quy định được hướng dẫn vị trí dừng thích hợp.
Biển số P.135 "Hết tất cả các lệnh cấm".
- Hiệu lực cấm của biển bắt đầu từ vị trí đặt biển đến nơi đường giao nhau hoặc đến vị trí quy định đỗ xe, dừng xe (hoặc đến vị trí đặt biển số P.135 "Hết tất cả các lệnh cấm" nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng).
Nếu cần thể hiện đặc biệt thì vị trí bắt đầu cấm phải dùng biển số S.503f và vị trí kết thúc, dùng biển số S.503d "Hướng tác dụng của biển" đặt bên dưới biển chính.
- Trong trường hợp chỉ cấm dừng, đỗ xe vào thời gian nhất định thì dùng biển số S.508 (a, b).
- Trong phạm vi có hiệu lực của biển, nếu có chỗ mở dải phân cách cho phép xe quay đầu thì cần đặt thêm biển số P.130 nhắc lại.
Biển số P.131 (a,b,c) "Cấm đỗ xe":
- Để báo nơi cấm đỗ xe trừ các xe được ưu tiên theo quy định, đặt biển số P.131 (a,b,c) "Cấm đỗ xe".
- Biển số P.131a có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển.
- Biển số P.131b có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển vào những ngày lẻ và biển số P.131c vào những ngày chẵn.
- Hiệu lực cấm và thời gian cấm đỗ xe áp dụng theo quy định tại điểm c, d mục B.30 đối với biển số P.130.
- Trong phạm vi có hiệu lực của biển, nếu có chỗ mở dải phân cách cho phép xe quay đầu thì cần đặt thêm biển nhắc lại.
Quy định pháp luật về việc dừng xe, đỗ xe
Nhiều lái xe cho rằng chỉ cần không có biển cấm là có thể thoải mái dừng, đỗ xe. Tuy nhiên, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rằng dù không có biển cấm nhưng người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại 11 vị trí sau đây:
1. Bên trái đường một chiều;
2. Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
3. Trên cầu, gầm cầu vượt;
4. Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
5. Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
6. Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau;
7. Nơi dừng của xe buýt;
8. Trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
9. Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
10. Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
11. Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Ngoài ra, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có quy định khá cụ thể về việc dừng đỗ xe trên đường phố. Theo đó, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân thủ như sau:
- Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
- Không được dừng đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước,...
Những trường hợp vi phạm về dừng đỗ xe có thể bị xử lý theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, với mức tiền phạt từ 200 nghìn đến 12 triệu đồng.
Như vậy, ngoài các trường hợp nêu trên và những nơi có biển cấm theo quy định pháp luật, người điều khiển phương tiện có thể dừng, đỗ xe trên đường phố. Việc một số chủ nhà, hộ kinh doanh, các nhà hàng tự ý dựng biển cấm, cắm cọc, dựng rào chắn hoặc lắp khóa bẫy... nhằm ngăn cản xe ô tô dừng, đỗ là vi phạm pháp luật.
Chiếm dụng lòng đường có thể đối mặt khung hình sự
Người có nhà ở mặt đường chỉ có quyền sở hữu, sử dụng, quản lý bất động sản theo ranh giới ghi nhận tại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu sử dụng. Đối với phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người dân là tài sản công cộng, do nhà nước quản lý, mọi người đều bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng.
Theo quy định tại Khoản 10, Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi tự ý đặt vật cản, lắp đặt các thiết bị trên đường giao thông sẽ bị áp mức phạt 6- 8 triệu đồng đối với cá nhân. Nặng hơn, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật hình sự nếu hành vi đặt, để chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy mà gây hậu quả chết người hoặc tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tù bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nhật Minh/dantri.com.vn