Trong giai đoạn đầu, Skoda Việt Nam sẽ đem về nước hai mẫu sedan cùng hai mẫu SUV, thuộc phân khúc C và D.
Sau hơn 5 tháng kể từ ngày ký kết thỏa thuận hợp tác với TC Motor, Skoda đã có website chính thức. Truy cập vào đường link gắn trên fanpage của thương hiệu Séc tại Việt Nam, hãng chưa hé lộ nhiều thông tin ngoài lời hẹn "gặp mặt" vào tháng 4 tới.
Skoda sẽ chính thức ra mắt khách hàng Việt vào tháng 4/2023 (Ảnh: Skoda Việt Nam).
Theo kế hoạch được hãng công bố trước đó, Skoda sẽ đem về bốn dòng xe trong năm nay và đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu, gồm: Octavia, Superb, Karoq và Kodiaq.
Trong đó, Skoda Octavia thuộc phân khúc sedan hạng C, cạnh tranh với Kia K3, Toyota Corolla Altis hay Honda Civic. Các trang bị của xe tại thị trường quốc tế khá hiện đại với hệ thống đèn full LED, la-zăng 19 inch, bảng đồng hồ kỹ thuật số sau vô lăng, màn hình giải trí 10 inch, điều hòa tự động, phanh tay điện tử.
Skoda Octavia có thiết kế khá khỏe khoắn (Ảnh: Top Gear).
Về khả năng vận hành, Skoda Octavia tại Séc có hai tùy chọn động cơ xăng. Trong đó, máy 1.5L có công suất tối đa 147 mã lực, còn máy 2.0L tạo ra 187 mã lực, đều sử dụng hộp số tự động 7 cấp.
Nội thất của Skoda Octavia (Ảnh: Top Gear).
Đắt hơn là mẫu Superb, được định vị ở phân khúc sedan hạng D, ngang với những cái tên như Toyota Camry, Mazda6 hay Honda Accord. Thiết kế nội và ngoại thất của mẫu xe này có phần không bắt mắt như đàn em "Octavia", có lẽ cần một bản nâng cấp toàn diện để tăng khả năng cạnh tranh.
Skoda Superb (Ảnh: Autocar India).
Ngoài hai tùy chọn động cơ xăng giống Octavia, Skoda Superb còn có bản Hybrid hướng đến khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Chưa rõ Skoda sẽ phân phối những phiên bản nào nhưng trước xu thế "xe xanh" nở rộ tại Việt Nam, Superb Hybrid vẫn rộng cửa về nước.
Nội thất của Skoda Superb có phần "lỗi thời" (Ảnh: Autocar India).
Hai mẫu SUV là Skoda Karoq và Kodiaq lần lượt nằm ở phân khúc C và D, nhóm xe đang đặc biệt "hot" tại Việt Nam. Trong đó, Karoq có hai tùy chọn động cơ xăng 1.5L và 2.0L, nội thất có các tiện nghi giống với Octavia nhưng nổi bật hơn với cửa sổ trời toàn cảnh và điều hòa tự động ba vùng ở bản cao cấp.
Skoda Karoq khi về nước sẽ cạnh tranh trực tiếp với Hyundai Tucson, Mazda CX-5 và Honda CR-V (Ảnh: CarExpert).
Skoda Kodiaq được phát triển dựa trên cơ sở gầm bệ của Volkswagen Tiguan Allspace với nội thất 7 chỗ ngồi. Tại thị trường quốc tế, xe có hai tùy chọn động cơ xăng hoặc dầu.
Đối thủ của Skoda Kodiaq tại Việt Nam là Hyundai Santa Fe, Ford Everest hay Toyota Fortuner (Ảnh: Top Gear).
Cả bốn dòng xe trên trong giai đoạn đầu sẽ được Skoda phân phối tại Việt Nam dưới dạng nhập khẩu. Thương hiệu Séc sẽ có nhà máy lắp ráp đặt tại Hạ Long (Quảng Ninh), dự kiến chính thức vận hành vào năm 2024 với diện tích lên tới 36,5ha cùng công suất đạt 120.000 xe/năm.
Hai mẫu xe lắp ráp đầu tiên của Skoda tại Việt Nam sẽ là Slavia cùng Kushaq, nằm ở phân khúc sedan hạng B và SUV cỡ B, ra mắt trong năm 2024. Đến năm 2025, hãng xe mở bán hai mẫu xe điện Enyaq iV và Enyaq Coupe iV.
Nhà máy lắp ráp của Skoda đang được xây dựng tại khu công nghiệp Việt Hưng, Quảng Ninh (Ảnh: Skoda Việt Nam).
Có phần lạ lẫm tại Việt Nam nhưng Skoda là hãng xe có vị trí nhất định trong làng ô tô trên thế giới. Nhãn hiệu này thuộc sở hữu của Volkswagen và được bán tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu.
Trong giai đoạn đầu, việc nhập khẩu nguyên chiếc sản phẩm từ châu Âu có thể giúp khách Việt tin tưởng vào chất lượng của thương hiệu Skoda. Tuy nhiên, nước đi này cũng có thể là "con dao hai lưỡi" bởi xe nhập châu Âu thường có giá bán không rẻ do chính sách thuế.
Các dòng xe của Volkswagen phân phối tại Việt Nam là ví dụ. Các mẫu ô tô này vốn được xếp ở phân khúc phổ thông nhưng về Việt Nam lại có giá ngang xe hạng sang, dẫn đến khó tiếp cận với đại bộ phận người dùng.
Theo dantri.com.vn