Luật sư cho rằng việc người trúng đấu giá 32 xe máy cũ với mức 6,8 tỷ đồng rồi bỏ cọc khiến cho việc đấu giá tài sản như biến thành một "trò đùa", gây bức xúc và có thể để lại nhiều hệ lụy xấu.
Chế tài chưa đủ mạnh
Những ngày qua, thông tin một người quê Thừa Thiên - Huế trúng đấu giá 32 xe máy tang vật ở Hà Tĩnh với mức giá lên tới 6,8 tỷ đồng (gấp 100 lần giá khởi điểm) rồi bỏ cọc thu hút được sự quan tâm của bạn đọc báo Dân trí và dư luận.
Nhiều bạn đọc bình luận, nêu ý kiến cho rằng cần có giải pháp, chế tài nghiêm, thậm chí sửa luật đấu giá. Điều đó để tránh việc người tham gia "chốt giá vô tội vạ" rồi bỏ cọc làm mất thời gian, công sức của các đơn vị quản lý, tổ chức và ảnh hưởng đến cá nhân có nhu cầu thực sự.
Luật sư Phan Văn Chiều - Đoàn Luật sư Hà Tĩnh (Ảnh: Văn Nguyễn).
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) về những vấn đề liên quan.
Từ sự việc bỏ cọc đấu giá 32 xe máy cũ nêu trên, Luật sư Phan Văn Chiều cho rằng đây không phải là vấn đề mới.
"Rõ ràng hành vi này là trái pháp luật, vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật đấu giá tài sản 2016, quy định về nghĩa vụ của người trúng đấu giá như ký biên bản đấu giá; hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản và theo quy định của pháp luật", Luật sư Phan Văn Chiều thông tin.
Theo quan điểm của luật sư, việc bỏ cọc này có thể gây mất uy tín và hình ảnh cho phía Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh và phải tổ chức đấu giá lại lần nữa.
Đồng thời, việc bỏ cọc khiến cho việc đấu giá tài sản của Nhà nước như biến thành một "trò đùa", gây bức xúc trong dư luận xã hội và có thể để lại nhiều hệ lụy xấu.
Cùng với đó, bản thân người trúng đấu giá cũng mất một khoản tiền đặt cọc lớn mà không được hoàn lại. Song, việc xác định nguyên nhân bắt nguồn của việc bỏ cọc trúng đấu giá, luật sư cho rằng khá khó. Bởi, hành vi bỏ cọc xuất phát từ ý chí của cá nhân.
Đối với trường hợp này, việc trả giá "trên trời", cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, cao một cách phi lý và sau đó bỏ cọc thì đó lại là điều rất "bất thường", không minh bạch, đã đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận xã hội.
Cũng theo Luật sư Phan Văn Chiều, hiện nay, chưa có các văn bản nào quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm của người trúng đấu thầu, cũng như các chế tài xử lý đối với hành vi bỏ cọc.
Điều này là chưa đủ mạnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư "thích thì mua, không thích thì bỏ" như hiện nay.
32 xe máy tang vật được Công an thị xã Hồng Lĩnh đưa ra đấu giá (Ảnh: Văn Nguyễn).
Các chế tài xử phạt hành vi bỏ cọc mới chỉ dừng lại ở chế tài dân sự, cụ thể mất tiền đặt trước, còn các chế tài hành chính và hình sự thì không có quy định.
Do vậy, luật sư cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều kiện cũng như các chế tài liên quan đến việc bỏ cọc khi đã trúng đấu giá.
Đặc biệt là điều kiện về năng lực tài chính, trách nhiệm đối với việc thực hiện dự án của chủ đầu tư cần phải được quy định chặt chẽ hơn.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư bỏ cọc như buộc phải chứng minh năng lực tài chính bằng hoặc cao hơn giá trị đã trả giá; ngoài việc bị mất số tiền đặt cọc, nhà đầu tư bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá, đấu thầu trong một thời gian nhất định và bị trừ điểm uy tín khi tham gia các cuộc đấu giá hoặc đấu thầu về sau.
Lô 32 xe máy cũ có gì đặc biệt không?
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, lô 32 xe máy cũ được đưa ra đấu giá đa phần là các dòng xe cũ như: Ducati 999S (được sản xuất vào 2003); Suzuki RGV120 (mẫu xe được ra mắt tại Việt Nam năm 1997); Suzuki Satria 120 (dòng underbone động cơ 2 thì được sản xuất tại Indonesia lần đầu vào năm 1998); Honda NSR 150 (mẫu xe từng là ước mơ của nhiều thanh niên Việt Nam cách đây khoảng 20 năm)...
Theo đại diện Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh, 32 chiếc xe máy cũ không có gì đặc biệt, thậm chí nhiều chiếc xe chỉ thuộc hàng "sắt vụn" vì đã hư hỏng gần như toàn bộ. Song, đây lại là những loại xe được các "tay chơi tốc độ" săn lùng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam vì là "hàng cổ".
Nhiều xe máy hư hỏng gần như toàn bộ (Ảnh: Văn Nguyễn).
Lãnh đạo Công an thị xã Hồng Lĩnh cho hay, 32 xe máy đã qua sử dụng là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để sung công quỹ nhà nước. Trước khi đưa ra đấu giá, cơ quan chức năng khảo sát, định giá lô tài sản này gần 70 triệu đồng.
Với giá khởi điểm như vậy, sau khi đấu giá, giá trị 32 xe máy cũ sẽ rơi vào khoảng trên dưới 200 triệu đồng.
Công an thị xã Hồng Lĩnh muốn "giải quyết" lô xe cũ này cho gọn, rộng kho tang vật và vì để lâu gây nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ. Song, trong buổi đấu giá, dựa vào luật cho phép và người tham gia không ai nhường ai nên đấu giá qua các vòng lên cao ngất ngưởng, chốt giá rồi bỏ cọc.
Cơ quan quản lý chỉ thu về được 10 triệu đồng mà người này đặt cọc trước, trong khi đơn vị phải lãng phí thời gian, công sức để làm hồ sơ, tổ chức đấu giá lại.
Trước đó, vào ngày 22/7, Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh tổ chức đấu giá 32 chiếc xe máy cũ với giá khởi điểm 68,3 triệu đồng.
Mỗi bước giá (mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên) là 500.000 đồng, còn tiền đặt trước 10 triệu đồng.
Hơn 120 người tham gia ở thời điểm đấu giá. Ban đầu mức giá được đấu lên 500 triệu đồng, vòng thứ 2 lên 1,2 tỷ đồng, vòng thứ 3 lên tới 5 tỷ đồng. Cuối cùng, một vị khách ở Thừa Thiên - Huế trúng đấu giá lên tới 6,8 tỷ đồng, gấp 100 lần giá khởi điểm. Đến nay, người này đã bỏ cọc.
Theo dantri.com.vn