Với việc giá pin đã hạ rất nhiều trong những năm qua, chúng ta có thể kỳ vọng giá ô tô điện sớm ngang giá xe xăng.
Theo một khảo sát mới của BloombergNEF, chi phí sản xuất pin xe điện đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2017. Pin rẻ hơn đồng nghĩa với việc ô tô điện cũng trở nên rẻ hơn, ngang bằng giá xe dùng động cơ đốt trong truyền thống.
Tuy nhiên, viễn cảnh đó không chỉ phụ thuộc vào giá pin, mà còn ở mức độ chấp nhận của thị trường và chính sách toàn cầu đối với ô tô điện.
Ô tô điện đang ngày càng tiệm cận xe xăng xét về giá (Ảnh minh họa: Ford).
Giá pin lithium-ion đã giảm mạnh trong 7 năm qua nhờ nguồn cung dồi dào cũng như việc giá kim loại thô và một số bộ phận khác phục vụ sản xuất pin giảm xuống. Khảo sát của BloombergNEF lấy 343 điểm dữ liệu, bao gồm xe con, xe buýt và xe thương mại chạy điện.
Việc xe điện có giá bán tương đương xe xăng sẽ là phép thử cho mức độ chấp nhận của thị trường. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn thì chỉ đến năm 2026 là giá ô tô điện sẽ ở ngang mức giá xe xăng.
Hiện tại, giá trung bình của một bộ pin là 115 USD/kWh (gần 3 triệu đồng), giảm 20% so với năm ngoái. Giá cần giảm thêm 15 USD xuống mức 100 USD/kWh (2,54 triệu đồng) thì ô tô điện mới có thể ngang giá xe xăng. Và theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã đạt được điều này; một số mẫu xe điện thậm chí còn rẻ hơn xe xăng.
Dù Bloomberg NEF dự báo giá pin sẽ giảm xuống mức dưới 100 USD/kWh vào năm 2026 và giảm xuống mức 69 USD/kWh vào năm 2030, nhưng vẫn còn một số yếu tố địa chính trị và kinh tế vĩ mô có thể tác động lên các dự báo này.
Dù vậy, trường hợp này giống chuyện "con gà và quả trứng", khi việc sản xuất pin xe điện vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh số bán xe. Dù hiện tại nguồn cung pin dồi dào, một phần do tiêu thụ xe điện ở một số thị trường chững lại, các nhà sản xuất bắt đầu giảm sản lượng.
Ngoài ra còn các lý do khác có thể ảnh hưởng tới quá trình giảm giá của xe điện về ngang mức xe xăng. Chính phủ các nước châu Âu đang cắt hỗ trợ dành cho xe điện, ví dụ như ở Đức, dẫn tới việc doanh số xe điện giảm mạnh trong năm 2024.
Trong khi đó tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 10%-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác. Bộ máy của ông cũng đang thúc ép Quốc hội Mỹ hủy bỏ chính sách ưu đãi thuế 7.500 USD đối với ô tô điện. Nếu họ thành công, hầu hết các nhà sản xuất ô tô sẽ bị ảnh hưởng, dù tỷ phú Elon Musk tin rằng điều đó cuối cùng có thể có lợi cho Tesla.
Theo dantri.com.vn