Trượt băng nghệ thuật, bóng chày-bóng mềm cùng 3 môn thể thao phối hợp hiện đại là bơi, đạp xe, chạy bộ (triathlon) đang dần phổ cập tại Việt Nam, qua việc lần đầu tổ chức giải vô địch các câu lạc bộ.
Những môn này có sức hút nhất định với người chơi nhưng chỉ khi có giải thi đấu cấp quốc gia (là giải vô địch các câu lạc bộ) thì người làm chuyên môn mới tự tin hơn, có cơ sở để tiếp tục hành trình phát triển các môn thể thao trên.
Tuy nhiên lâu nay, tìm nguồn kinh phí xã hội hóa, kêu gọi tài trợ vốn là bài toán không dễ với các liên đoàn, hiệp hội thể thao, nhất là ở các môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam. Do đó, để con em có thể ăn tập, theo đuổi ước mơ trở thành vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp, nhiều gia đình đã không tiếc tiền đầu tư; cùng với đó, có không ít VĐV tự kêu gọi tài trợ cho chính mình.
Hoàng Trà Mi ước mơ sau này khoác áo đội tuyển Việt Nam thi đấu ở các giải quốc tế. Ảnh: QUYẾT THẮNG |
Tham gia tập luyện và thi đấu môn triathlon đòi hỏi kinh phí lớn. Người chơi, VĐV bước vào thi đấu phải trang bị xe đạp, đồ thể thao, kính mắt, chế độ dinh dưỡng, đồng hồ đo chỉ số kỹ thuật, giầy chuẩn. Tuyển thủ quốc gia Lâm Quang Nhật cho biết: “Khi bén duyên với triathlon, tự tôi đầu tư sắm chiếc xe đạp 300 triệu đồng”. Phần lớn VĐV triathlon như Lâm Quang Nhật tự phải tìm các nguồn tài trợ, tự mua sắm trang bị cho mình, rồi cố gắng thi đấu giành thành tích để có lợi thế trong việc kêu gọi tài trợ.
Phụ trách bộ môn triathlon (Cục Thể dục-Thể thao), bà Thu Phương cho biết: “Giải vô địch các câu lạc bộ triathlon toàn quốc lần thứ nhất (tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8-2022) là bước ngoặt cho những người đã và đang nỗ lực phát triển, đẩy mạnh phong trào môn này, bởi có giải chính thức thuộc hệ thống quốc gia, môn thể thao sẽ chính thống hơn và thu hút được nhiều địa phương đầu tư”.
Tại sân băng thuộc khu đô thị Royal City (Hà Nội), Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam lần đầu tổ chức Giải vô địch các câu lạc bộ quốc gia trượt băng nghệ thuật vào tháng 10-2022. Tổng thư ký liên đoàn, bà Trịnh Trang bày tỏ: “Nỗ lực tổ chức giải đấu của chúng tôi để giúp VĐV có một sân chơi thật sự, nhằm thể hiện chuyên môn và niềm đam mê. Quan trọng hơn, trượt băng nghệ thuật là môn mới nên phải có giải đấu, từ đó liên đoàn mới có cơ sở kêu gọi xã hội hóa, mời gọi gia đình cho con em tập trượt băng nghệ thuật”.
Bà Trịnh Trang đang định hướng cho con gái Trần Khánh Linh theo đuổi sự nghiệp trượt băng nghệ thuật. Theo bà Trịnh Trang: “Đầu tư cho con học văn hóa và theo đuổi niềm đam mê trượt băng nghệ thuật có chi phí không nhỏ, nhưng gia đình cố gắng để con thành tài”. Mỗi giờ học trượt băng nghệ thuật, tiền thuê riêng chuyên gia dạy kèm khoảng 100USD/giờ; nếu thuê thầy có tiếng thì gần 200USD/giờ. Chịu chơi hơn, gia đình chị Tường Vi đã bán nhà để có tiền cho con gái Hoàng Trà Mi tập môn trượt băng nghệ thuật với chuyên gia nước ngoài, cho thấy chi phí đầu tư cho VĐV trượt băng nghệ thuật tốn kém thế nào.
DIỆU PHƯƠNG
https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thap-sang-uoc-mo-tu-ngon-lua-dam-me-718176