Trả lời bạn xem truyền hình ngày 29/10/2024

Thứ 3, 29.10.2024 | 15:26:49
1,161 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Lưu Văn Hoàn trú tại thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc giải quyết ly hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự?

Trả lời

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tại Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình quy định “Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn”.

Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Để được Tòa án thụ lý giải quyết ly hôn với người mất năng lực hành vi dân sự, vợ, chồng hoặc người thân thích, người có quyền lợi liên quan phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng hoặc người vợ mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 378 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. 

Sau khi có quyết định tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người vợ hoặc chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn theo quy định.

Hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn gồm: Đơn xin ly hôn; Giấy đăng kí kết hôn; Bản sao giấy chứng minh nhân dân (có chứng thực); Các tài liệu chứng minh địa chỉ cư trú của các bên; Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; Các giấy tờ liên quan quyền sở hữu, sử dụng tài sản, nếu có tranh chấp về tài sản; Giấy đăng ký khai sinh của con chưa thành niên (nếu có)

Trường hợp bị đơn là người mất năng lực hành vi dân sự, Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ việc Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho bị đơn theo quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự.

Khi giải quyết ly hôn, các quyền về nhân thân, quyền về tài sản của bị đơn là người bị mất năng lực hành vi dân sự phải được đảm bảo, không bị phân biệt đối xử. Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình (Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình).

Câu 2. Ông Lý Anh Vũ trú tại xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn hỏi: những trường hợp nào công dân bị hạn chế thực hiện quyền tự do cư trú và khi nào công dân bị xoá đăng ký thường trú?

Trả lời

Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 4 Luật Cư trú 2020 quy định những trường hợp công dân sẽ bị hạn chế thực hiện quyền tự do cư trú, cụ thể bao gồm:

- Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam;

- Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;

- Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách;

- Người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ;

- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

- Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

- Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;

- Người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

- Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;

- Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

- Địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

- Địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Nội dung, thời gian hạn chế quyền tự do cư trú thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền hoặc theo quy định của luật có liên quan.

9 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú

Tại Điều 24 của Luật Cư trú đã nêu ra 09 trường hợp công dân bị xoá đăng ký thường trú. Cụ thể gồm các trường hợp sau:

- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết.

- Ra nước ngoài để định cư.

- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật Cư trú.

- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

  • Từ khóa