Trả lời bạn xem truyền hình ngày 12/11/2024

Thứ 3, 12.11.2024 | 08:49:16
702 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn! Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Hứa Văn Hùng trú tại xã Bính Xá, huyện Đình Lập hỏi: Di sản dùng vào việc thờ cúng thì có được chia thừa kế không? pháp luật quy định như thế nào về di sản dùng vào việc thờ cúng?

Trả lời:

Pháp luật thừa nhận và bảo hộ quyền lập di chúc của công dân. Tuy nhiên, nội dung di chúc phải dựa trên các quy định pháp luật, tuân thủ các điều kiện của pháp luật mới có hiệu lực. Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: "Di sản dùng vào việc thờ cúng:

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theothỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng." 


Câu 2. Bà Mai Phương Hà trú tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc giải quyết ly hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự?

Trả lời

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tại Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình quy định “Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn”.

Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Để được Tòa án thụ lý giải quyết ly hôn với người mất năng lực hành vi dân sự, vợ, chồng hoặc người thân thích, người có quyền lợi liên quan phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng hoặc người vợ mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 378 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. 

Sau khi có quyết định tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người vợ hoặc chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn theo quy định.

Hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn gồm: Đơn xin ly hôn; Giấy đăng kí kết hôn; Bản sao giấy chứng minh nhân dân (có chứng thực); Các tài liệu chứng minh địa chỉ cư trú của các bên; Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; Các giấy tờ liên quan quyền sở hữu, sử dụng tài sản, nếu có tranh chấp về tài sản; Giấy đăng ký khai sinh của con chưa thành niên (nếu có)

Trường hợp bị đơn là người mất năng lực hành vi dân sự, Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ việc Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho bị đơn theo quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự.

Khi giải quyết ly hôn, các quyền về nhân thân, quyền về tài sản của bị đơn là người bị mất năng lực hành vi dân sự phải được đảm bảo, không bị phân biệt đối xử. Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình (Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình).


Câu 3. Ông Trần Văn Tạ trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: những người nào không được đăng ký tham gia đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 38 Luật đấu giá tài sản 2016, thì những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá bao gồm:

  1. Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
  2. Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;
  3. Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật;
  4. Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này;

đ) Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của ông Nguyễn Thanh Bình, trú tại Khối 3, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết về việc nhà ở của gia đình ông tại chung cư Khòn Lải bị thấm dột, không đảm bảo cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình.

Đơn của ông chúng tôi đã chuyển đến Ban tiếp công dân tỉnh để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

  • Từ khóa