Trả lời bạn xem truyền hình ngày 17/12/2024

Thứ 3, 24.12.2024 | 09:33:21
66 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn! Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Lương Văn Hùng trú tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định hỏi: Việc điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Ngày 17/9/2024, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-BQP quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Về đối tượng áp dụng

- Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg.

- Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Cách tính và mức điều chỉnh trợ cấp

Thông tư nêu rõ, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên, theo công thức sau:

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 7/2024=Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2024 x 1,150

Mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng trên sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:

- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.628.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.746.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.868.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.988.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 3.105.000 đồng/tháng.

Thông tư nêu rõ, kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại Thông tư này do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để uỷ quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chi trả cho đối tượng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2024.


Câu 2. Ông Triệu Ngọc Thắng trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 7 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020) thì tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam. Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 bao gồm:

(1) Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

(2) Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019.

(3) Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

(4) Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

(5) Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

(6) Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

(7) Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

(8) Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.

(9) Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.


Câu 3. Ông Mai Văn Đức trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: việc xử lý hành vi sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, đã quy định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Xử lý đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Điều 255 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

d) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.

  • Từ khóa