Các máy bay ném bom B-2 của Mỹ đã dễ dàng tiến vào không phận Iran để thực hiện cuộc không kích chưa từng có vào các cơ sở hạt nhân chủ chốt.
Máy bay ném bom B-2 Mỹ (Ảnh: Getty).
Tướng cấp cao của Mỹ cho biết các máy bay ném bom B-2 Spirit của Không quân Mỹ thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran dường như đã đột nhập vào lãnh thổ nước này mà không bị phát hiện.
"Các hệ thống tên lửa đất đối không của Iran dường như không nhìn thấy chúng tôi. Trong suốt chiến dịch, chúng tôi vẫn giữ được yếu tố bất ngờ", Tướng Dan Caine, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết.
Cuộc không kích với mật danh “Búa đêm” hôm 21/6 là chiến dịch tấn công quy mô lớn nhất của máy bay ném bom B-2 trong lịch sử Mỹ. 7 máy bay ném bom B-2, mỗi máy bay có 2 thành viên phi hành đoàn, đã bay 18 giờ vào Iran để thả 14 siêu bom phá boongke.
Sự suy yếu của mạng lưới phòng không Iran trước và trong khi Mỹ ném bom, chiến thuật nghi binh có chủ đích và các tính năng tàng hình của máy bay ném bom cũng như máy bay hộ tống khiến máy bay Mỹ dễ dàng tiến vào không phận Iran và tấn công các cơ sở hạt nhân nước này.
Máy bay ném bom tàng hình
Máy bay B-2 Spirit được thiết kế đặc biệt, có khung cánh máy bay độc đáo, phủ vật liệu hấp thụ sóng radar, căn chỉnh cạnh và các công nghệ khác khiến radar phòng không của đối phương khó phát hiện, theo dõi hoặc nhắm mục tiêu.
Với kíp vận hành radar, tín hiệu phản xạ của B-2 không giống máy bay ném bom với sải cánh lớn, mà giống một con chim.
Một điểm đáng chú ý là máy bay ném bom B-2 của Mỹ không hoạt động đơn độc.
Theo tướng Caine, một phi công F-16 của Không quân Mỹ, dàn máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm, bao gồm máy bay chiến đấu tấn công F-35 Lightning II và F-22 Raptor, cũng tham gia chiến dịch không kích để mở đường cho các máy bay ném bom. Chiến dịch không kích của Mỹ cũng có sự hỗ trợ của máy bay tình báo, giám sát và trinh sát.
Tướng Caine cho biết quân đội Mỹ không phát hiện bất kỳ phát đạn nào được bắn vào các máy bay Mỹ trong lúc làm nhiệm vụ.
Hệ thống phòng không suy yếu của Iran
Các hệ thống phòng không của Tehran bao gồm nhiều hệ thống tên lửa đất đối không cũ với khả năng hợp nhất hạn chế, khiến chúng không được tích hợp đầy đủ theo cách sử dụng toàn bộ sức mạnh của mạng lưới phòng không để phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa.
Trong những ngày trước cuộc tấn công của Mỹ, Israel đã phá hủy phần lớn các hệ thống phòng không còn lại của Iran, khiến Israel tuyên bố chiếm ưu thế trên không đối với một số khu vực của Iran. Nhiều hệ thống tên lửa đất đối không khác đã bị phá hủy trong các cuộc giao tranh trước đó.
Hiện không rõ tình hình phòng không cụ thể như thế nào dọc theo tuyến đường mà các máy bay B-2 bay tới các cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz, nhưng lực lượng phòng thủ của Iran đã bị lực lượng bảo vệ của Mỹ, các máy bay chiến đấu hộ tống, ngăn chặn trước.
Địa hình đồi núi xung quanh các cơ sở hạt nhân như Fordow và Natanz cũng có thể tạo ra các điểm mù radar. Thời điểm diễn ra chiến dịch vào giữa đêm cũng có thể là thách thức đối với các hệ thống phòng không của Iran.
Chiến thuật nghi binh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết các máy bay B-2 đã bay đến "các địa điểm hạt nhân ở Iran rồi quay trở lại mà thế giới không hề hay biết", nhấn mạnh đến những nỗ lực nghi binh và sự bí mật trong hoạt động liên lạc của chiến dịch.
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ông mất khoảng 2 tuần để quyết định xem Mỹ có tấn công Iran hay không, nhưng rốt cuộc đòn không kích xảy ra chỉ vài ngày sau đó. Tuy nhiên, đó không phải là chiến thuật nghi binh duy nhất.
"Là một phần của kế hoạch duy trì sự bất ngờ về mặt chiến thuật, một số máy bay B-2 đã tiến về phía tây và vào Thái Bình Dương như một cách nghi binh", tướng Caine giải thích, gọi đây là "nỗ lực nghi binh mà chỉ một số ít nhà hoạch định và lãnh đạo chủ chốt ở Washington và Tampa biết đến".
Ông cho biết thêm, các máy bay nghi binh khác đã được sử dụng khi máy bay ném bom tiến vào không phận Iran.
Theo dantri.com.vn