Thu gọn "trận địa hậu cần" vào phòng học

Chủ nhật, 06.12.2020 | 09:17:19
444 lượt xem

Tại Học viện Hậu cần, bảo đảm sinh hoạt trong huấn luyện dã ngoại là nội dung được cấp ủy, chỉ huy các cấp coi trọng, đặc biệt là trong huấn luyện tập bài và diễn tập.

Những năm qua, để nâng cao chất lượng huấn luyện, học viện đã áp dụng một số công trình hậu cần ngoài thực địa như: Mô hình triển khai bếp Hoàng Cầm cấp 1; thao trường huấn luyện vận tải; bãi tập xăng dầu; xưởng thực hành doanh trại... Đặc điểm chung của các mô hình này là mang tính đơn lẻ, chưa bảo đảm được sự liên hoàn giữa các thành phần hậu cần cũng như tính liên kết trong hoạt động thực hành bảo đảm của lực lượng hậu cần. Ngoài ra, các mô hình này được triển khai ở địa hình rộng, phạm vi tương đối lớn, do đó khó quan sát tổng thể, gây trở ngại tới việc trang bị kiến thức cho học viên. Mặt khác, quá trình chuẩn bị mô hình ngoài thực địa tốn rất nhiều công sức của bộ đội để sửa chữa, đào đắp, trong khi đó hiệu quả sử dụng chưa thực sự cao.

Xuất phát từ thực tế trên, nhóm tác giả do Trung tá, TS Đỗ Xuân Long, giảng viên Khoa Hậu cần chiến dịch (Học viện Hậu cần) làm trưởng nhóm đã xây dựng “Mô hình bảo đảm sinh hoạt trong huấn luyện dã ngoại cấp đại đội bộ binh”. Anh Long chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào thiết kế, chúng tôi đã dành thời gian nghiên cứu một số mô hình huấn luyện hậu cần được thực hiện ở các đơn vị trong toàn quân. Chúng tôi nhận thấy, các đơn vị thường áp dụng mô hình cấp trung đội để huấn luyện là chính, trên cơ sở đó huấn luyện với các cấp cao hơn như đại đội, tiểu đoàn. Do không có mô hình thu nhỏ, hầu hết đơn vị triển khai mô hình ra thực địa để thực hành huấn luyện cho bộ đội”.

Thu gọn

Giảng viên Học viện Hậu cần sử dụng mô hình bảo đảm sinh hoạt trong huấn luyện dã ngoại cấp đại đội 

bộ binh trong giảng dạy. Ảnh: BÙI DINH

Mô hình bảo đảm sinh hoạt trong huấn luyện dã ngoại cấp đại đội bộ binh là một mô hình thu nhỏ, với các hạng mục thiết kế bảo đảm tính mỹ thuật, khoa học. Trực tiếp tham quan sáng kiến, chúng tôi nhận thấy, các hạng mục trên mô hình đều được thiết kế theo thông số quy định hiện hành, bố trí riêng rẽ, phân tán hợp lý, bảo đảm được khả năng ngụy trang, ý đồ chiến thuật... Để nâng cao hơn nữa tính trực quan, nhóm tác giả còn thiết kế hệ thống điều khiển thông minh, bao gồm: Hệ thống điện, hộp kỹ thuật, hệ thống đèn led, hệ thống đường dẫn, thiết bị điều khiển. Trong đó, hộp kỹ thuật được nhóm tác giả trang bị bảng mạch điện tử có tích hợp thiết bị phát bluetooth, giúp hệ thống đèn của mô hình có thể điều khiển được bằng điện thoại thông minh để minh họa, làm rõ từng hạng mục công trình trong quá trình giảng dạy.

Dù mới đưa vào sử dụng cách đây hơn một năm, song mô hình đã sớm cho thấy sự hiệu quả nhờ tính trực quan sinh động, giúp cán bộ, học viên, chiến sĩ có cái nhìn tổng thể, hiểu rõ cách thức tổ chức và các yếu tố cần có khi bảo đảm sinh hoạt trong huấn luyện dã ngoại cấp đại đội bộ binh và vận dụng vào các cấp khác. Ngoài việc sử dụng trong giảng dạy tại Học viện Hậu cần, mô hình còn được áp dụng rộng rãi trong huấn luyện hậu cần tại nhiều đơn vị trong toàn quân như: Lữ đoàn 205 (Binh chủng Thông tin liên lạc), Sư đoàn Bộ binh 395 (Quân khu 3), Trung đoàn 692 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội)...

Nhờ hiệu quả rõ rệt về nâng cao chất lượng huấn luyện, kinh tế và môi trường đem lại, sáng kiến đã đoạt giải nhất Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" của Học viện Hậu cần năm 2019, giải ba Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" trong quân đội năm 2020.


ĐÌNH ĐỨC/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thu-gon-tran-dia-hau-can-vao-phong-hoc-645822

  • Từ khóa