Liên kết tiêu thụ hàng nông sản, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

Thứ 5, 10.06.2021 | 08:57:47
325 lượt xem

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương, nhất là giao thương hàng nông sản đang vào chính vụ.

Cùng với tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch, TP Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu đã chủ động liên kết với các địa phương trong vùng, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa. Việc này đã góp phần giữ vững thị trường nông sản cho nông dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ theo mục tiêu kép.
Vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm chuỗi cung ứng
Với sự phối hợp thường xuyên, kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh các địa phương phải siết chặt công tác kiểm soát phòng, chống dịch, việc vận tải hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay vẫn được bảo đảm thông suốt. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản nhập về các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh được kiểm soát, khử khuẩn, giải quyết thủ tục nhanh gọn, không bị ùn ứ. Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện 3 chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh hằng ngày có khoảng 5.000 lượt xe và 20.000 lượt người ra vào. Mỗi ngày, các chợ đầu mối của thành phố tiếp nhận hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm từ các địa phương về phân phối cho hơn 230 chợ truyền thống trên địa bàn. Chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP Thủ Đức), một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất của TP Hồ Chí Minh, là nơi tập trung nhiều loại trái cây có tính chất mùa vụ trên cả nước, như: Xoài, vải, nhãn, thanh long... Các mặt hàng rau, củ, quả khác cũng được các thương lái ở nhiều tỉnh, thành phố miền Đông và miền Tây Nam Bộ đưa lên chợ với số lượng lớn hằng ngày. Đối với hệ thống phân phối hiện đại, tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, như: Co.opmart, Big C, Emart, VinMart... nguồn cung hàng hóa vẫn rất dồi dào.

Liên kết tiêu thụ hàng nông sản, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

 Nguồn hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam được cung ứng dồi dào tại hệ thống siêu thị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HỒNG GIANG

Vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh vừa triển khai kế hoạch chủ động giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm nguồn hàng dự trữ dồi dào, ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Để chủ động bảo đảm nguồn hàng hóa, thời gian qua, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận, đặc biệt là vùng nguyên liệu thuộc tỉnh Đồng Nai. Đồng Nai nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu về xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp trong khu vực và cả nước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện xây dựng được hơn 130 chuỗi liên kết với sự tham gia của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến; 52 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác. Trong đó, có 84 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô gần 16,4 nghìn héc-ta và 16 dự án cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích hơn 5,1 nghìn héc-ta. Trên địa bàn tỉnh có hơn 270 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP với sản lượng được chứng nhận là gần 102 nghìn tấn thịt heo/năm, hơn 38 nghìn tấn thịt gà/năm và 325 triệu quả trứng gà/năm. Trong đó, hơn 60% thịt heo của thị trường TP Hồ Chí Minh được cung ứng từ thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng là thị trường chính cho các sản phẩm nông sản của Đồng Nai, như: Bưởi da xanh, chuối, sầu riêng, mít, các loại rau...
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là khu vực phát triển năng động nhất cả nước, có vai trò, vị trí rất quan trọng, bao gồm nhiều địa phương, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước... Đây cũng là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản thực phẩm cho các đô thị lớn trong toàn vùng. Thị trường nội địa Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ ước có hơn 20 triệu người tiêu dùng có thu nhập từ mức khá đến cao so với cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời là thị trường tiêu thụ trọng điểm của cả vùng. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng Đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản, thực phẩm theo hướng bảo đảm ATTP giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ". Các hệ thống phân phối tại những địa phương trong vùng đang phát triển mạnh mẽ, từng bước bảo đảm được các quy định về ATTP. Tuy nhiên, theo thống kê, vẫn còn hơn 70% nông sản, thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống qua các chợ dân sinh không được kiểm soát chặt chẽ về ATTP. Theo PGS, TS Trần Tiến Khai, thành viên Ban chủ nhiệm đề án, việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ thực phẩm đạt chuẩn ATTP giữa TP Hồ Chí Minh (thị trường tiêu thụ) và các tỉnh trong vùng (nơi sản xuất, chế biến) là vấn đề hết sức cấp thiết. Để xây dựng chuỗi ATTP cho Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ cần phải có sự thống nhất về quan điểm tiếp cận và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ. Chỉ có liên kết vùng, có sự đồng thuận giữa các địa phương mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề bảo đảm ATTP.
Vừa qua, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đã tổ chức ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh trong vùng, kết nối tiêu thụ nông sản bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất khẩu trong các chuỗi cung ứng. Đến nay, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đã cấp hàng trăm giấy chứng nhận vào chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn thành phố cho các trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh tại các tỉnh, thành phố lân cận. Song song đó, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện thí điểm mô hình quản lý ATTP hợp nhất với đầu mối là Ban quản lý ATTP thành phố. Mô hình đang triển khai có ưu thế đáp ứng được nhu cầu quản lý ATTP tập trung về một đầu mối xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, tránh được sự phân đoạn và phân chia theo ngành, lĩnh vực. Mô hình trên có thể được nhân rộng, triển khai cho các địa phương khác trong vùng để thiết lập hệ thống quản lý ATTP thống nhất, góp phần thúc đẩy liên kết giữa các địa phương.


HOÀNG NGÂN/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lien-ket-tieu-thu-hang-nong-san-thuc-hien-thang-loi-muc-tieu-kep-662026


  • Từ khóa