Giải “cơn khát” nguồn cung dầu mỏ

Thứ 4, 06.04.2022 | 08:54:24
495 lượt xem

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể dẫn đến cú sốc nguồn cung trên toàn cầu. Để đối phó tình trạng bấp bênh nguồn cung và giá dầu, một số quốc gia đã có hướng đi nhằm góp phần tăng nguồn cung năng lượng.


Nhà máy lọc dầu Venezuela (Ảnh THE WALL STREET JOURNAL).

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới, đã đẩy giá dầu tăng vọt. Mặc dù các biện pháp này không bao gồm thị trường năng lượng, song các công ty dầu mỏ chính, các doanh nghiệp vận tải biển và ngân hàng đều hạn chế kinh doanh với Nga. Nhiều khách hàng từ chối nhập khẩu dầu mỏ của Nga, khiến nguồn cung tổng thể trên thế giới ít hơn và nhu cầu tìm kiếm nguồn dầu mỏ từ các nơi khác tăng lên.

Do đó, IEA cho rằng, không nên xem thường tác động của tình trạng hao hụt dầu mỏ xuất khẩu từ Nga sang các thị trường toàn cầu. Nguy cơ sản xuất dầu mỏ tại Nga bị gián đoạn trên quy mô lớn do các lệnh trừng phạt và việc các công ty hạn chế các mặt hàng xuất khẩu của nước này đang có khả năng tạo nên cú sốc nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu. 

Trong bối cảnh thế giới có nguy cơ đối mặt cuộc khủng khoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ, các thị trường năng lượng toàn cầu đang bước vào giai đoạn quan trọng. Để bình ổn thị trường, Giám đốc điều hành IEA kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng khai thác. IEA cũng sẽ xả thêm dầu từ các kho dự trữ nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. 

Hồi đầu tháng 3, các thành viên IEA đã nhất trí “xả” 62 triệu thùng dầu dự trữ để đối phó tình trạng gián đoạn nguồn cung. Đây là phản ứng ban đầu và con số này chỉ chiếm 4% kho dự trữ của IEA.

Nhằm “hạ nhiệt” giá xăng trong nước và góp phần bình ổn thị trường “vàng đen” trên toàn cầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày.

Đây là quyết định giải phóng trữ lượng dầu lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Động thái mới nhất của chính quyền Mỹ diễn ra sau các đợt giải phóng dự trữ dầu trước đó của SPR, bao gồm 30 triệu thùng hồi đầu tháng này. Những thùng dầu này sẽ đóng vai trò cầu nối cho tới khi Mỹ bổ sung sản lượng và các hoạt động sản xuất khác mà chính quyền mong đợi vào cuối năm nay. 

Chính quyền Mỹ đang gây sức ép với các công ty dầu mỏ trong nước để tăng cường hoạt động khai thác trên các vùng đất của liên bang, những nơi đã phê duyệt các giấy phép khoan thăm dò nhưng chưa triển khai.

Để góp phần giải tỏa cơn khát nguồn cung, một số nhà sản xuất dầu mỏ khác ở châu Mỹ cũng đã có những bước đi tích cực nhằm tăng sản lượng dầu mỏ. Tổng thống Venezuela thông báo, quốc gia Nam Mỹ này đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, tương đương mức tăng 164% so với lần bơm đầu tiên của năm là 755.000 thùng. Sản lượng dầu thô của Venezuela đã cán mốc 1 triệu thùng/ngày hồi tháng 12/2021.

Tổng thống Venezuela cũng cam kết tăng sản lượng các chất dẫn xuất từ dầu mỏ, hóa dầu và khí đốt trong năm nay. Quốc gia Nam Mỹ này mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào lĩnh vực khai thác dầu và khí đốt, đồng thời bày tỏ sẵn sàng bán dầu thô cho bất kỳ nước nào, bất kể khác biệt chính trị. Venezuela tuyên bố muốn trở thành nguồn cung dầu và khí đốt ổn định cho toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ.


HÀ ĐAN/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/giai-con-khat-nguon-cung-dau-mo-692100/

  • Từ khóa