Hội thảo về Dự án Luật Phòng thủ dân sự

Thứ 4, 07.09.2022 | 08:59:39
1,509 lượt xem

Sáng 6-9, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Dự hội thảo có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các đại biểu các cơ quan của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học.

Hội thảo về Dự án Luật Phòng thủ dân sự
 Quang cảnh hội thảo.

Ngày 16-8-2022, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự để tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ trong hoạt động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả với các mối đe dọa, các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân, đất nước khi có tình huống xảy ra, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, đây là dự án luật có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về một số nội dung lớn của dự án luật để có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ việc chỉnh lý, thẩm tra Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Hội thảo về Dự án Luật Phòng thủ dân sự
Các đồng chí chủ trì hội thảo. 

Tại hội thảo ban tổ chức đã nhận được 20 tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học và một số bộ, ngành. Các tham luận phân tích và làm rõ bản chất, nội hàm khái niệm “phòng thủ dân sự”, “thảm họa”, “sự cố”; phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tên gọi và những nội dung cơ bản cần quy định tại Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; tiêu chí, mức độ xác định cấp độ phòng thủ dân sự, tiêu chí căn cứ kích hoạt hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố; hệ thống công trình phòng thủ dân sự, các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự; làm rõ quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, cơ chế huy động, phối hợp trong phòng thủ dân sự và về tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ, chính sách đối với phòng thủ dân sự; phòng thủ dân sự trong mối quan hệ với Luật Quốc phòng và hệ thống pháp luật liên quan…

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục khi có thảm họa, sự cố xảy ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một đạo luật về phòng thủ dân sự. Ngày 30-8-2022, Bộ Chính trị có ban hành Nghị quyết số 22 về Phòng thủ dân sự, giao cho Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo ban hành luật. Đó là cơ sở thực tiễn, chính trị, pháp lý để xây dựng dự án luật này.

Nội dung các điều luật trong Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có sự liên quan đến rất nhiều quy định của Hiến pháp, các bộ luật, luật và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Bởi vậy các tham luận tại hội thảo là những thông tin quan trọng giúp Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình các cấp theo quy định.

Hội thảo về Dự án Luật Phòng thủ dân sự
 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo về Dự án Luật Phòng thủ dân sự
 

Đại biểu Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong tham gia góp ý xây dựng Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Các ý kiến tham luận đã tập trung nêu những quan điểm, lập luận khoa học, cụ thể về khái niệm phòng thủ dân sự, xác định phạm vi điều chỉnh của dự án luật; khái niệm thảm họa, sự cố; phân tích, làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành luật, đề xuất hoàn thiện quy định về cấp độ, mức độ phòng thủ dân sự, hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp... Qua đó, giúp Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.


Sơn Bình/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/hoi-thao-ve-du-an-luat-phong-thu-dan-su-704637

  • Từ khóa