Hành trình tìm đường cứu nước của Bác: Có một Thầu Chín ở Xiêm

Thứ 7, 16.05.2020 | 14:54:43
800 lượt xem

Mỗi khi có người Việt Nam tới, câu chuyện về Thầu Chín luôn được kể lại với tình cảm thật chân thành, sâu sắc.

Thời gian hoạt động ở Thái Lan của Bác Hồ chỉ trong năm 1928 tới 1929 nhưng bất cứ địa phương nào Người đặt dấu chân tại đây đều để lại tình cảm lớn lao trong bà con dù đó là người Thái hay người Việt. Cho tới nay, hơn 80 năm qua đi, tình cảm đó vẫn ăn sâu trong lòng người Thái và hình ảnh “Anh Chín” vẫn là câu chuyện được truyền từ đời này qua đời khác ở Thái Lan.

co mot thau chin o xiem hinh 1
Bảo tàng Ban Dong - Hồ Chí Minh trở thành một địa chỉ quan trọng tại khu vực Đông Bắc Thái Lan.

Nói không quá, không có nơi đâu trên thế giới, kiều bào lại yêu Tổ quốc như ở Thái Lan. Tình yêu này không phải tự nhiên mà có, mà nó được hình thành qua nhiều thế hệ và Bác Hồ chính là người khởi nguồn cho chủ nghĩa yêu nước trong thời gian Người hoạt động tại Thái Lan.

Phichit-một tỉnh miền Bắc của Vương quốc Thái Lan là một vùng đất nông nghiệp màu mỡ, được bồi đắp bởi hai con sông Yom và Nan. Trước khi triều đại Chakri dời đô về vùng đồng bằng trung tâm Bangkok, Phichit đã có vai trò lịch sử quan trọng đối với hai Vương quốc tiền triều Sukhothai và Ayutthay.

Tại sao lại là Phichit chứ không phải địa phương khác, bởi đây là nơi đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại Thái Lan. Đây là địa điểm ghi lại những dấu ấn trong lịch sử khi vị Lãnh tụ từ châu Âu trở về để chuẩn bị cho quá trình thành lập một chính đảng có thể lãnh đạo được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

Sau một thời gian ngắn hoạt động tại Bangkok, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Ban Dong, tỉnh Phichit, nơi có một xóm nhỏ của người Việt với khoảng 20 hộ gia đình đang sinh sống. Nhà văn Sơn Tùng đã ghi lại ký ức của bà Quỳnh Anh - vợ của ông Võ Tòng hay còn gọi là Sáu Tùng (một trong những nhà hoạt động cách mạng tích cực tại địa phương này) về khoảng thời gian đáng nhớ, kéo dài hai tuần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại tỉnh Phichit.

Bà Quỳnh Anh là người đầu tiên ở Ban Dong được tiếp xúc với Người. Trong đó có đoạn: “Tôi khép nép nhìn ông khách, chỉ mỉm cười mà không nói lên được một điều gì, bởi vì ngay từ giây phút đầu tiên gặp ông tôi đã cảm thấy có điều gì đó rất khác thường, không thể giải thích. Hai con mắt sáng một cách lạ lùng, nhưng rất ấm, rất trìu mến. Tôi cảm tưởng như đã gặp một lần nào rồi, cho nên tôi thấy ông vừa lạ mà vừa quen”.

Mặc dù mới đặt chân lên đất Ban Dong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngay lập tức bắt tay vào công việc truyền bá chủ nghĩa yêu nước cũng như con đường cách mạng của Việt Nam. Việc đầu tiên là Người đã tập hợp tất cả bà con Việt kiều tại đây để gặp mặt, giới thiệu để tạo thiện cảm. Trong dịp đó, “Anh Chín” - một bí danh của Người tại đây - đã điểm lại khái quát những biến đổi chính trị quan trọng ở trong nước cũng như trên thế giới, khơi dậy tình yêu đất nước, con người, lòng tự tôn dân tộc và hướng về quê cha, đất tổ đang nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Bà con ở đây lần đầu tiên được nghe hai tiếng thiêng liêng, “đồng chí”. Người giải thích, “đồng chí, hiểu một cách thông thường, đơn giản là một người cùng chí hướng đấu tranh”. Khi nói lên những lời đó, “giọng anh Chín tha thiết và trìu mến lắm” - bà Quỳnh Anh nhớ lại.

Để thấu hiểu con người và mảnh đất Ban Dong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoà mình vào cuộc sống thường nhật của cộng đồng Việt kiều một cách tự nhiên. Người tập đi chân đất, mặc áo vải nâu, thực hiện “ba cùng” với bà con. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ già tới trẻ nơi đây đều rất kính trọng và coi “Anh Chín” như người nhà. “Ông Thọ - tên Người giới thiệu với cộng đồng - đã trút bỏ ngay bộ cánh Âu phục, đi chân đất như thói quen của chúng tôi ở nơi đây”.

Một ngày làm việc của Người thường bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn so với tất cả mọi người. Bên cạnh các công việc hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thức rất khuya để đọc sách báo, chuẩn bị cho các buổi nói chuyện tiếp theo. Người luôn là tấm gương về thực hiện nếp sống, lối làm việc lành mạnh, kỷ cương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ lưu lại ở Phichit một thời gian ngắn, khoảng hai tuần, đến giữa tháng 7/1928, Người cùng một số đồng chí khác đã lên đường đến các tỉnh Đông Bắc, Thái Lan. Khu vực Đông Bắc là vùng đất tập trung đông người Việt Nam sinh sống, có gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng ở trong nước. Quãng thời gian Người hoạt động ở đây đã thổi một luồng gió mới vào phong trào yêu nước của cộng đồng kiều bào.

Khoảng thời gian hai tuần rất ngắn ngủi, nhưng ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi lưu giữ trong tâm trí của người dân Ban Dong. Người không chỉ để lại tình yêu thương trong cộng đồng bà con Việt kiều mà còn nhận được sự kính trọng, cảm phục của người dân, chính quyền địa phương.

co mot thau chin o xiem hinh 2
Bảo tàng là nơi các thế hệ học sinh của Thái Lan có thể tới để tìm hiểu về lịch sử, cũng như những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Với những tình cảm tốt đẹp về Người, tháng 12/2013, được sự đồng ý của Chính phủ Thái Lan, chính quyền địa phương đã đầu tư và khởi công xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn viên Trung tâm Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam ở Ban Dong, tỉnh Phichit.

Tại buổi lễ khánh thành, Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Weerasak Kowsurat và Tỉnh trưởng Phichit Weerasak Wichitsaengsri khẳng định, Phichit là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sinh sống và hoạt động cách mạng tại Thái Lan. Để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Thái Lan xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh và đây chắc chắn sẽ là điểm du lịch lớn của tỉnh Phichit. “Công trình này sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa Thái Lan và Việt Nam”-Bộ trưởng và Tỉnh trưởng nhấn mạnh.

Hiện tại, bảo tàng Hồ Chí Minh – Ban Dong trở thành một địa điểm quan trọng của tỉnh Phichit nói riêng và miền Đông Bắc Thái Lan nói chung. Trong buổi học tập ngoại khoá của mình tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, em Sitthiphong Hongkrang đến từ Trường tiểu học Phachara Kittiyapha 2 cho biết, đến đây du lịch và thăm quan nên em có thể biết được quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam, biết được những đồ đạc, vật dụng mà Người đã sử dụng.  Qua đó, học sinh Thái Lan thấy được cuộc sống và những hoạt động của Bác Hồ trong những tháng ngày hoạt động ở đây.

Cô giáo Kannokon Kanchay -giáo viên trường tiểu học Phachara Kittiyapha 2 dẫn học sinh của mình đến học tập ngoại khoá ở Khu di tích Ban Dong bày tỏ: “Tôi rất vui khi được dẫn các em học sinh đến đây nghiên cứu và học tập, tạo điều kiện cho các em có những hoạt động ngoại khóa trong quá trình học tập môn lịch sử. Đến đây, ngoài việc được tiếp cận với những vật dụng cá nhân, dữ liệu lịch sử về một lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, các em còn có thể học hỏi được nhiều điều hơn cả kiến thức về lịch sử”.

Thời gian gần 1 năm ở Thái Lan không phải là dài trong quãng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng phải tới đây mới thấy tình cảm của người dân mỗi nơi Bác đi qua đều rất sâu đậm. Mỗi khi có người Việt Nam tới, câu chuyện về Thầu Chín luôn được kể lại với tình cảm thật chân thành, sâu sắc, đó cũng là một trong những minh chứng về những gì mà Bác đã làm ở nơi đây./.


Quang Trung/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/hanh-trinh-tim-duong-cuu-nuoc-cua-bac-co-mot-thau-chin-o-xiem-1048080.vov

  • Từ khóa