Bám sát địa bàn, giúp dân hiệu quả

Thứ 2, 06.03.2023 | 09:26:42
870 lượt xem

Những năm qua, công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ mà còn thể hiện trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 (Quân khu 3) với đồng bào vùng khó khăn nơi biên giới. Bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực của những người lính, đơn vị đã góp phần từng bước giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42, Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 giúp gia đình ông Bùi Văn Thoạn (Móng Cái, Quảng Ninh) chăm sóc vườn cây.

Đóng quân dọc các huyện biên giới đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, do vậy cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 đã không quản khó khăn, vất vả, luôn bám sát địa bàn, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các dự án giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Trung tá Nguyễn Văn Ðạo, Trợ lý Dân vận Phòng Chính trị Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, cho biết: Các lâm trường chủ động khảo sát, tìm hiểu phong tục tập quán, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng và nhu cầu của người dân để lựa chọn con giống, cây trồng hỗ trợ người dân cho phù hợp. Ðiều này bảo đảm các mô hình, dự án giúp dân xóa đói, giảm nghèo triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.

Ðoàn cán bộ, nhân viên Lâm trường 42 (Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327), đến thăm gia đình ông Nình A Dẩu, ở thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, là một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo, làm giàu nhờ trồng chè hoa vàng. Trong ngôi nhà khang trang kiến trúc mái thái, ông Dẩu niềm nở mời khách đặc sản chè hoa vàng do gia đình tự sấy và cho biết: "Gia đình hiện có hơn 300 gốc chè đang cho thu hoạch, một vườn ươm cây giống và một xưởng sấy chè khô, trung bình mỗi năm thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ trồng chè mà các con tôi được học đại học, cuộc sống của gia đình ngày càng sung túc, đầy đủ hơn".

Ðể có được thành công như ngày hôm nay của gia đình ông Dẩu, một phần là nhờ sự định hướng, giúp đỡ của những người lính Lâm trường 42. Có thâm niên hơn 20 năm gắn bó cùng đồng bào nơi đây, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Quang Vinh, nhân viên Ban Chính trị Lâm trường 42 nhớ lại: Khoảng 10 năm về trước, chè hoa vàng rất giá trị, có thời điểm giá hoa chè tươi đạt hơn 10 triệu đồng/kg. Thấy vậy, người dân rủ nhau lên núi hái chè khiến cây chè ngày càng khan hiếm. Trước tình trạng nêu trên, bộ đội Lâm trường 42 đã vận động bà con đánh gốc chè trên núi mang về nhà trồng. Thời gian đầu do không có kiến thức, kinh nghiệm cho nên cây chè thường bị chết, số còn lại phát triển chậm.

Ðồng chí Vinh chia sẻ: "Chúng tôi đến một số trung tâm cây trồng trong tỉnh tìm hiểu và được biết chè hoa vàng không ưa ánh nắng chiếu trực tiếp. Vậy là chúng tôi vận động bà con trồng chè dưới những gốc cây ăn quả tán lớn, nhờ đó cây chè sinh trưởng, phát triển rất tốt. Sau này chúng tôi cùng bà con còn tìm hiểu và học được cách chiết cành, nhân giống, cho nên các vườn chè trên địa bàn ngày càng mở rộng. Những năm gần đây, nhờ cây chè hoa vàng mà hàng chục hộ dân trong thôn xây được nhà, mua được xe máy, có cuộc sống dư dả".

Ðược biết, hơn 10 năm qua, Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 đã phối hợp triển khai thành công 16 mô hình như: Trồng ngô lai, khoai tây, đỗ tương cao sản, nấm sò, thanh long ruột đỏ, hồi, quế, cam, chè hoa vàng... và 17 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho gần 800 hộ dân. Nhiều gia đình nhờ đó thoát khỏi cái đói, cái nghèo, dần có của ăn, của để. Hiện đơn vị đang phối hợp triển khai thêm một số mô hình như: "Nông-lâm kết hợp", "Phát triển vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm", "Hỗ trợ trồng cây gỗ lớn", "Vườn-ao-chuồng". Các mô hình nêu trên thu hút nhiều hộ gia đình tham gia, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Ðại tá Nguyễn Văn Huy, Chính ủy Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 cho biết, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, đồng thời huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội cùng chung tay thực hiện, tạo được nhiều nguồn lực để giúp đỡ bà con nhân dân. Sự kiên trì, bền bỉ của cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Ðoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 trong nhiều năm qua đã góp phần giúp diện mạo khu vực biên giới đông bắc ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; mối quan hệ quân-dân nơi biên giới ngày càng bền chặt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; tiềm lực, thế trận quốc phòng vùng biên giới ngày càng được tăng cường vững chắc.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/bam-sat-dia-ban-giup-dan-hieu-qua-post741627.html

  • Từ khóa