Phát triển Hậu Giang trở thành điểm sáng, tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước

Thứ 3, 02.01.2024 | 14:32:10
457 lượt xem

Tối 1/1, trong Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (1/1/2004-1/1/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang tổ chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Về Hậu Giang hôm nay, chúng ta vui mừng trước sự đổi thay, phát triển không ngừng của tỉnh; diện mạo từ thành thị đến nông thôn tươi đẹp, rực rỡ hơn, tràn ngập sức sống mới, khí thế mới, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hứa hẹn trở thành điểm sáng

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh TTXVN)


Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Cùng dự, có các đồng chí: nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo cơ quan, bộ, ngành Trung ương.

Đến dự Lễ, có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, cùng đông đảo người dân Hậu Giang.

Ngày 1/1/2004 trở thành dấu mốc quan trọng mở đầu hành trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hậu Giang khi Tỉnh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động theo Nghị quyết số 22 của Quốc hội. Khi đó, Hậu Giang là tỉnh thuần nông, địa bàn phần lớn là vùng nông thôn sâu, điều kiện kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân hết sức khó khăn.

Được sự lãnh đạo, giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước, với tư duy, tầm nhìn chiến lược, quyết sách đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước mở đường của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng, để bứt phá vươn lên phát triển nhanh và bền vững.

Sau 20 năm thành lập, Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, ấn tượng, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Để Hậu Giang hôm nay tự hào “tỉnh nhỏ nuôi khát vọng lớn”.

Thành tựu đạt được trong 20 năm qua là rất to lớn và đáng tự hào. Kết quả đó kết tinh từ tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển, là nền tảng và hành trang vững chắc để tỉnh chuyển sang giai đoạn tăng tốc, phát triển nhanh và bền vững.

Từ những thành tích xuất sắc đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất theo Quyết định 1784/QĐ-CTN, ngày 29/12/2023.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Tại buổi lễ, nhắc lại thời điểm năm 2004 khi mới được thành lập, là một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang đã đồng lòng, chung sức, phát huy truyền thống, kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được qua các nhiệm kỳ, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, tầm nhìn chiến lược, quyết sách đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng, hành động quyết liệt, Hậu Giang đã phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực.

Theo Chủ tịch nước, Hậu Giang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ mới, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế tuy tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu nhập bình quân đầu người, quy mô dân số, tỉ lệ đô thị hoá còn thấp; tỉ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với trong vùng và cả nước; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông và công nghiệp, liên kết vùng còn hạn chế. Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy sông Mê Kông, hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt, suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng…

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị: Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của tỉnh nhà và những bài học kinh nghiệm quý báu trong 20 năm qua, tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển tỉnh nhà.

Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng hội tụ các điều kiện thế mạnh, tiềm năng; nằm ở khu vực trung tâm, giáp ranh với thành phố Cần Thơ, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nam Bộ, vì thế, tỉnh cần tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền sông nước; lợi thế của địa phương đi sau, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, lớn mạnh của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Hậu Giang cần chú trọng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân.

Thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng, đẩy mạnh liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Thúc đẩy các trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng: Công nghiệp hiện đại-nông nghiệp sinh thái-đô thị thông minh-du lịch, bảo đảm chất lượng, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp...

Nêu rõ, Hậu Giang là vựa lúa của miền Tây, Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp với năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; tạo đột phá trong bảo quản và chế biến nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn.

Cho rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tỉnh cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Quan tâm nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, xây dựng, phát triển văn hóa, con người, tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công.

Tăng cường đầu tư hạ tầng thiết yếu, tạo sinh kế, các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; chú trọng giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang cần đặc biệt coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, có giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu. Coi biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là bài học để ứng xử khiêm tốn và khoa học với thiên nhiên....

Nhấn mạnh vị trí chiến lược nằm trong trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước đề nghị Hậu Giang phải luôn coi trọng công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”. Chủ động nắm, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trên địa bàn; giải quyết từ gốc các vấn đề liên quan, bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc, an ninh kinh tế-xã hội, an ninh con người; phòng, chống tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch nước chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm các tổ chức đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, sâu sát cơ sở, hiểu dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức chính trị-xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-trien-hau-giang-tro-thanh-diem-sang-tinh-kha-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long-va-ca-nuoc-post790211.html


  • Từ khóa