Chính sách tiền lương chưa có hiệu lực, giá cả hàng tiêu dùng đã tăng

Thứ 2, 04.03.2024 | 14:25:58
370 lượt xem

Cử tri phản ánh, việc điều chỉnh tăng lương chưa kết hợp chặt chẽ với kiểm soát giá cả thị trường, dẫn đến thực trạng chính sách vừa thông qua, chưa có hiệu lực thì giá hàng tiêu dùng đã tăng.

Ngày 3/3, Bộ Nội vụ cho biết cử tri các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long phản ánh việc điều chỉnh tăng lương chưa kết hợp chặt chẽ với kiểm soát giá cả thị trường. Điều đó dẫn đến tình trạng khi chính sách tiền lương vừa được thông qua, chưa có hiệu lực thi hành thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng.

Cử tri đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

"Đề nghị Chính phủ khi điều chỉnh chính sách tiền lương cần phải tính đến việc bảo đảm quyền lợi cho những đối tượng đang có phụ cấp", cử tri kiến nghị.

Chính sách tiền lương chưa có hiệu lực, giá cả hàng tiêu dùng đã tăng - 1

Người dân nhiều địa phương phản ánh, chính sách tiền lương vừa được thông qua, chưa có hiệu lực thi hành thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong văn bản vừa gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội trả lời cử tri, Bộ Nội vụ cho hay, căn cứ Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 và Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27/2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.

Theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Trong đó có nội dung về thang, bậc lương, phụ cấp lương như ý kiến cử tri nêu đối với cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW nhằm khắc phục những bất cập về chế độ tiền lương, cải thiện đời sống của đại đa những người hưởng lương.

Mặt khác, các cơ quan liên quan sẽ trình Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/3, bà Nguyễn Bích Thu, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) thông tin, Bộ Nội vụ đã xây dựng tờ trình để báo cáo Bộ Chính trị các nội dung cụ thể về chế độ tiền lương mới; đánh giá tác động khi cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, các trợ cấp xã hội.

Sau khi Bộ Chính trị có ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng nghị định ban hành chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Dự kiến, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các ngành tòa án, kiểm sát và kiểm toán.

Về phía các cơ quan Đảng, sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bộ Nội vụ sẽ ban hành trên 10 thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện. "Chúng tôi hết sức cố gắng và đảm bảo tiến độ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7", đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/chinh-sach-tien-luong-chua-co-hieu-luc-gia-ca-hang-tieu-dung-da-tang-20240303190322962.htm

  • Từ khóa