Xóa "điểm nghẽn" trong tiêu thụ nông sản

Thứ 5, 17.06.2021 | 08:55:56
730 lượt xem

Những năm vừa qua, dù các ngành chức năng có nhiều giải pháp nhưng tình trạng "được mùa mất giá" vẫn xảy ra, khiến không ít nông sản thường xuyên lâm vào cảnh phải "giải cứu". Hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến lưu thông hàng hóa thì nông sản lại càng khó tiêu thụ, đòi hỏi phải có những phương án mới hơn, hiệu quả hơn…

Người dân huyện Mộc Châu (Sơn La) chăm sóc cây mận.

Muôn nẻo khó khăn

Tại thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) - nơi có diện tích trồng xoài Ô-xtrây-li-a lớn nhất miền trung tại thời điểm chính vụ, người dân vẫn để mặc không thu hoạch vì không biết xuất bán đi đâu. Tại tỉnh Ðồng Tháp, nhiều nhà vườn chịu cảnh thua lỗ khi giá xoài năm nay xuống mức rất thấp, có thời điểm chỉ 5.000 đồng/kg xoài Ðài Loan (Trung Quốc). Mận tam hoa ở Sơn La, Lào Cai cũng bán chậm, giá rẻ trong khi sản lượng đạt rất cao.

Mới đây nhất, khoai lang tím Vĩnh Long lọt vào danh sách nông sản phải "giải cứu". Do không có người mua, giá khoai lang tím Nhật Bản từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ đã giảm xuống còn chỉ hơn 1.000 đồng/kg, bằng 10% mức bình quân năm 2020. Với mức giá này, nông dân đang lỗ nặng, trong khi nhiều lứa khoai trồng sau lại đang chuẩn bị vào vụ, nguy cơ thừa ế là điều dễ nhìn thấy. Còn trước đó, 50.000 tấn hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phải nằm chờ "giải cứu" do năng suất cao, sản lượng lớn nhưng không có đầu mối tiêu thụ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19" mới diễn ra, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều cho rằng, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn là do các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Cụ thể, việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa một số địa phương gặp khó khăn khi các chốt kiểm soát dịch Covid-19 áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết, thậm chí không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng... góp phần làm "ngưng trệ" hoạt động tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, các vướng mắc kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn dịch bệnh... cũng là nguyên nhân quan trọng cản trở việc tiêu thụ nông sản.

Cụ thể như đối với mặt hàng khoai lang, theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương, hiện Trung Quốc đã đồng ý xem xét cho Việt Nam xuất khẩu tạm thời sang thị trường này với điều kiện toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra và đáp ứng đủ các biện pháp kỹ thuật.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số tỉnh trọng điểm trồng khoai lang vẫn chưa có cơ sở đóng gói, trong khi đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của phía Trung Quốc. Có thể thấy, các địa phương đang mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất nhiều mặt hàng nông sản nhưng lại chưa thật sự quan tâm và thực hiện hiệu quả các yêu cầu về kỹ thuật từ phía đối tác nhập khẩu.

Cần giải pháp "đúng" và "trúng"

Sự hỗ trợ theo hình thức giải cứu chỉ là giải pháp bất khả kháng, mang tính thời điểm. Còn về lâu dài, phải tính đến các giải pháp "đúng" và "trúng". Ðó là sản xuất theo nhu cầu thị trường, cả về số lượng và chất lượng; đồng thời có sự liên kết tiêu thụ vững chắc ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Muốn như thế, phải nắm được và triển khai đầy đủ, hiệu quả yêu cầu kỹ thuật của đối tác nhập khẩu.

Cụ thể, ở thị trường trong nước, các sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn sản xuất… để không chỉ bán qua thương lái và tiêu thụ tại chợ đầu mối, mà phải vào được các siêu thị, các trung tâm thương mại lớn. Theo đại diện chuỗi siêu thị Big C, đơn vị rất muốn chung tay tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng sản phẩm lại không đáp ứng đủ các tiêu chí chất lượng để lên kệ bày bán.

Cũng chính vì lý do đó, hiện nay ở nhiều hệ thống siêu thị, nông sản nhập khẩu vẫn đang lấn át sản phẩm trong nước. Ðối với thị trường xuất khẩu, nông sản cần tuân thủ đúng các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; quản lý dịch hại tổng hợp… theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Các địa phương cần sớm xây dựng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số để quản lý chất lượng nông sản ngay từ gốc.

Ngoài ra, mỗi ngành hàng lại phải tuân thủ những quy định riêng về chất lượng sản phẩm, vùng trồng, vùng nuôi… phù hợp với từng quốc gia nhập khẩu nên công tác tuyên truyền đến các đối tượng liên quan phải được thực hiện rõ ràng, kỹ lưỡng.

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết: Ðể xuất khẩu sản phẩm động vật sang các nước, phải bảo đảm tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Tính đến hết tháng 5-2021, Việt Nam có 2.288 cơ sở, các chuỗi sản xuất khép kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được, phải bảo đảm sản phẩm trong vùng an toàn dịch bệnh của OIE. Chính vì vậy, Cục đang phối hợp các địa phương nâng cấp các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam lên theo tiêu chuẩn OIE.


Tiến Anh/nhandan.vn

https://nhandan.vn/kinhte/xoa-diem-nghen-trong-tieu-thu-nong-san-651007/

  • Từ khóa