Nuôi ong mật – Triển vọng phát triển kinh tế ở Liên Hội

Thứ 5, 24.06.2021 | 14:06:58
356 lượt xem

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Liên Hội, huyện Văn Quan đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế.

Những ngày cuối tháng 6, cùng cán bộ xã Liên Hội, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Lê Văn Chắn, thôn Bản Hạ – một trong những hộ có thâm niên nuôi ong nhiều năm trên địa bàn xã. Ông Chắn cho biết:  Khoảng 20 năm trước, đã có một số hộ trong thôn nuôi ong lấy mật, nhưng số lượng rất ít, mỗi hộ chỉ nuôi 1 – 2 tổ lấy mật phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 2016, do nhu cầu của thị trường, nhiều gia đình đã mở rộng quy mô, tăng đàn. Nếu nuôi tại chỗ, trung bình chỉ thu được 6 – 7 lít mật/tổ/năm, nhưng nếu thường xuyên di chuyển tổ ra vùng có nhiều hoa, nguồn thức ăn dồi dào có thể thu được từ 10 đến 15 lít mật/tổ/năm. Từ năm 2019 đến nay, gia đình tôi nuôi duy trì ổn định 14 tổ ong, trung bình thu được 100 lít mật/năm, nhờ đó, mỗi năm, tôi có thêm thu nhập 40 triệu đồng. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ nhân thêm đàn, tập trung phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Người dân xã Liên Hội kiểm tra chất lượng đàn ong

Ông Phùng Văn Tiến, trưởng thôn Bản Hạ cho biết: Ban đầu ở thôn chỉ có 8 gia đình nuôi ong lấy mật. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, các hộ trong thôn đã chủ động học tập cách nuôi ong. Toàn thôn hiện nay có 33 hộ thì có 26 hộ đang phát triển mô hình nuôi ong mật. Trong đó, có 7 hộ nuôi nhiều từ 14 đến 17 tổ, thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm, còn lại các hộ cũng đang nuôi từ 3 đến 7 tổ và hiện đang nhân đàn phát triển thêm. Mô hình hiện đã giúp các hộ dân có thu nhập ổn định mỗi năm.

Không chỉ thôn Bản Hạ, khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi ong bắt đầu phát triển mạnh tại xã. Theo thống kê, hiện nay, toàn xã có 154 hộ nuôi ong mật với 492 tổ ở 10/10 thôn của xã. Trong đó, có khoảng 20 hộ nuôi ong lấy mật với số lượng khá lớn, từ 15 đến 20 tổ/hộ, thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm; hơn 30 hộ phát triển từ 6 đến 10 tổ/hộ; các hộ còn lại mỗi hộ có ít nhất từ 2 đến 3 tổ, hiện đang nuôi tăng đàn, tách tổ, chưa khai thác mật.

Ông Luân Văn Tâm, thôn Bản Nhang cho biết: Trung bình một tổ ong sẽ cho thu hoạch mật 2 lần/năm. Tổ ong to, đặt ở khu vực nuôi có nhiều hoa có thể thu được từ 6 đến 9 lít mật/tổ/lần khai thác. Nhờ chất lượng mật ngon nên nhiều khách hàng tìm đến tận nhà mua với giá 400 nghìn đồng/lít, do đó, tôi không lo về đầu ra.

Theo người dân nuôi ong, nghề nuôi ong mật không cần nhiều vốn đầu tư, không tốn nhân lực, đem lại thu nhập ổn định. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ trong từng công đoạn. Điều quan trọng nhất khi nuôi là chọn ong chúa, ong chúa có khỏe mạnh thì đàn ong sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời tổ được đặt ở nơi nhiều hoa sẽ cho số lượng, chất lượng mật cao.

Xác định nuôi ong lấy mật là hướng đi mới giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo, cuối năm 2020, từ nguồn vốn chương trình 30a (214 triệu đồng), UBND xã đã hỗ trợ 98 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật với số lượng 219 tổ (trung bình 2 tổ/hộ). Đến nay, đàn ong phát triển tốt, các gia đình tham gia mô hình đang nhân đàn, một số hộ nuôi chuẩn bị khai thác mật.

Cùng với đó, năm 2020, xã đã vận động thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Liên Hội với 10 thành viên thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Theo đó, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm mật ong xã Liên Hội, các thành viên hợp tác xã hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi ong, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Bế Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhận thấy nghề nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, xã đã khuyến khích bà con nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. So với việc chỉ trồng lúa, trồng ngô như trước đây thì hiện nay, hộ nuôi nhiều ong có thu nhập ổn định từ 30 đến 40 triệu đồng/năm từ nuôi ong. Đây là một hướng đi mới đã và đang đóng góp đáng kể vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Hằng năm, xã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong để người dân áp dụng vào thực tế.

Mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã Liên Hội đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, bước đầu giúp người dân có thêm thu nhập ổn định. Xã đang hoàn thiện hồ sơ để xây dựng, phát triển sản phẩm mật ong xã Liên Hội thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2021.


LIỄU CHANG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/430633-nuoi-ong-mat-trien-vong-phat-trien-kinh-te-o-lien-hoi.html

  • Từ khóa