Tràng Định: Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng thạch đen

Thứ 4, 08.12.2021 | 14:32:42
1,135 lượt xem

Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện Tràng Định cũng như chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện đã tập trung hỗ trợ người dân triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, sản lượng thạch đen. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị thạch đen cũng như đáp ứng các yêu cầu mà thị trường đặt ra.

Đầu tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm thạch đen. Qua đó, các yêu cầu về thị trường cả trong và ngoài nước đòi hỏi việc nâng cao chất lượng, sản lượng cây thạch đen trên địa bàn huyện.

Người dân trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Tràng Định chuẩn bị cho vụ thạch đen năm 2022

Nhận thức rõ điều này, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Tràng Định đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: mở rộng diện tích và xây dựng mã vùng trồng thạch đen; xây dựng chuỗi sản xuất thạch đen theo tiêu chuẩn xuất khẩu… Trên cơ sở đó, Phòng NN&PTNT huyện đã đẩy mạnh hoạt động tập huấn, tuyên truyền đến người dân về các nội dung: kỹ thuật trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản cây thạch đen; các quy định theo Nghị định thư… Đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 63 lớp tập huấn và 19 cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức như: hội nghị cấp xã, thôn; hội nghị trực tuyến; cấp phát tài liệu… thu hút trên 4.500 lượt người tham gia.

Từ các nội dung được tập huấn, tuyên truyền, nhiều hộ dân đã áp dụng vào thực tiễn và đạt hiệu quả. Ông Trần Văn Tư, thôn Đâư Linh, xã Chi Lăng cho biết: Từ đầu năm, chúng tôi được tham gia các chương trình tập huấn, tuyên truyền của xã và phòng chuyên môn huyện. Trong vụ thạch 2021, tôi lựa chọn giống thạch đen cao sản để trồng. Đồng thời, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học theo hướng dẫn để chăm bón cây. Nhờ đó, năng suất, chất lượng thạch cao hơn hẳn. Năm 2021, gia đình tôi trồng 4 sào thạch đen, thu được hơn 1,1 tấn thạch đen. So với năm 2020, cùng một diện tích nhưng sản lượng thạch cao hơn 2 tạ.

Ngoài việc nâng cao chất lượng, sản lượng thạch đen, để đáp ứng các tiêu chí về xuất khẩu thạch đen như: có mã số vùng trồng; đảm bảo quy định về tàn dư thực vật… nhiều hộ dân đã chủ động liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác sản xuất thạch đen và thay đổi cách thức canh tác từ manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế tập thể.

Như tại xã Kim Đồng một trong những xã có diện tích thạch đen lớn nhất huyện Tràng Định với hơn 240 ha, trong năm 2021, toàn xã đã có 9 mã số vùng trồng được cấp. Ông La Văn Đài, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thạch đen thôn Pàn Dào, xã Kim Đồng cho biết: Sau khi được phổ biến về các nội dung quy định theo Nghị định thư, tôi cùng 60 hộ tại thôn bàn bạc và thống nhất thành lập tổ sản xuất thạch đen. Khi tham gia, toàn bộ diện tích 23,3 ha thạch đen của các thành viên đều đồng nhất về các khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, bảo quản. Đồng thời, chúng tôi chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có trong danh mục được cơ quan chuyên môn huyện khuyến cáo. Do đó, chất lượng thạch đen trong tổ rất đồng đều.

Ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Đồng cho biết: Khi được cấp mã số vùng trồng, nếu chất lượng thạch đen của một thành viên không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các hộ còn lại. Ý thức được điều đó, trong vụ thạch năm 2021, thành viên của các tổ hợp tác trên địa bàn xã đều thực hiện các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản rất nghiêm túc, không để xảy ra sai sót.

Cùng với xã Kim Đồng, đến nay, trên địa bàn huyện Tràng Định đã có 101 mã số vùng trồng được cấp trên địa bàn 15 xã với tổng diện tích hơn 500 ha.

Nhờ nâng cao về chất lượng, năm 2021, giá thạch đen trên địa bàn huyện đạt mức từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg (cao hơn từ 35 đến 50% so với trước đây). Do vậy, nhiều hộ đã chủ động mở rộng quy mô trồng. Năm 2021, diện tích trồng thạch của huyện đạt khoảng 2.500 ha, tăng 1.000 ha so với năm 2020. Cùng đó, đầu ra của cây thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định ngày càng được đảm bảo với việc có 10 hợp tác xã, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: Thời gian qua, hầu hết người dân đã nắm rõ quy trình kỹ thuật sản xuất thạch đen và các nội dung theo Nghị định thư. Nhờ đó, chất lượng thạch đen ngày càng cao, đáp ứng tốt các tiêu chí để xuất khẩu chính ngạch. Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục kiến nghị đến các cấp, ngành của tỉnh nghiên cứu cải tạo, phục tráng cây thạch đen để có thể đạt sản lượng, chất lượng cao hơn nữa.

Với các giải pháp được huyện Tràng Định đưa ra, tin rằng, trong thời gian tới, cây thạch đen của huyện sẽ ngày càng được nâng cao về chất lượng, sản lượng cũng như giá trị. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế cho bà con và cho địa phương.


GIA KHÁNH - NGUYỄN PHÚC/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/466560-trang-dinh-tap-trung-nang-cao-nang-suat-chat-luong-thach-den.html


  • Từ khóa