Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sửa luật có giải quyết được ách tắc trong đấu thầu?

Thứ 4, 21.09.2022 | 08:54:45
690 lượt xem

Cho ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), chiều 20-9, một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề về ách tắc đấu thầu thời gian qua và đặt câu hỏi sửa luật có giải quyết được những ách tắc ấy?

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sửa luật có giải quyết được ách tắc trong đấu thầu?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. 

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, dự án luật lần này sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị việc sửa luật phải bảo đảm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện; giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, công bằng; bổ sung quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ, giảm thiểu các hành vi gian lận trong đấu thầu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu dư luận về tình trạng gian lận, tiêu cực và tham nhũng trong đấu thầu. Từ đó đề nghị làm rõ tham nhũng, tiêu cực, gian lận trong đấu thầu thường tập trung ở những quy định nào và hướng sửa đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu chống gian lận, tham nhũng và tiêu cực trong đấu thầu?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sửa luật có giải quyết được ách tắc trong đấu thầu?
Quang cảnh phiên họp. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhất trí với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bày tỏ mong muốn việc sửa luật lần này phải xử lý được tình trạng thất thoát, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đấu thầu. 

Cùng với đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng nêu thực tế việc đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua rất khó khăn. Từ đó đề nghị làm rõ vì sao việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế lại khó khăn như vậy, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải có chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng vẫn khan hiếm?

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với đề xuất bổ sung quy định liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Trong đó, mảng y tế, dịch vụ y tế đòi hỏi chất lượng và tính kịp thời về thuốc và trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, khác với hàng hóa khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể được dự trù chính xác nhu cầu sử dụng vì phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Việc tổ chức đấu thầu theo quy định của luật sẽ mất rất nhiều thời gian nên có thể xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khi nhu cầu sử dụng thực tế vượt dự trù, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân và chất lượng của dịch vụ. Điều này cũng cần phải được dự tính trong dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sửa luật có giải quyết được ách tắc trong đấu thầu?
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mỗi khi nói đến đầu tư công hay đấu thầu thì thường bị kêu thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, thậm chí gây ách tắc và nói là do pháp luật. Vì vậy, khi sửa đổi Luật Đấu thầu cần chỉ rõ quy định nào, điều nào, khoản nào gây ách tắc, thủ tục phức tạp làm kéo dài quá trình đấu thầu? Sửa luật xong có khắc phục được vướng mắc như vậy không? Cần làm rõ những vấn đề này để tránh trường hợp sau khi thông qua luật rồi nhưng vẫn chưa giải quyết được ách tắc và lại nói là do luật.

Nhắc tới tình trạng giảm giá qua đấu thầu trong thực tế còn thấp, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đó là hệ quả của tình trạng thiếu chặt chẽ, có lỗ hổng, thiếu công khai, minh bạch. Vì thế cần chỉ rõ lỗ hổng của luật hiện hành là gì; quy định như dự thảo luật đã đủ để bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và người đứng đầu hay chưa; nếu sửa thì sửa chỗ nào và sửa như thế nào…


CHIẾN THẮNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-sua-luat-co-giai-quyet-duoc-ach-tac-trong-dau-thau-705917

  • Từ khóa