Sớm tăng lương để khắc phục tình trạng công chức nghỉ việc

Chủ nhật, 30.10.2022 | 09:36:27
784 lượt xem

Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn giữ nguyên từ ngày 1-7-2019 đến nay.

Việc đồng lương không tăng trong khoảng thời gian dài, trong khi giá cả các mặt hàng ngày càng leo thang đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cán bộ, công chức và người lao động. Đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc; tác động tới tình trạng người lao động xin nghỉ việc và chuyển việc khỏi khu vực công thời gian qua.

Sớm tăng lương để khắc phục tình trạng công chức nghỉ việc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời điểm hơn 2 năm qua là điều chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là một vấn đề đáng quan ngại. 

Đề xuất của Chính phủ tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023 cho cán bộ, công chức, viên chức đang là chủ trương nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri. Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức rất có ý nghĩa, giúp cải thiện phần nào cuộc sống của người lao động, cùng như góp phần ổn định tinh thần, tư tưởng làm việc của công chức, viên chức, đặc biệt trong ngành giáo dục, y tế. Tuy nhiên, để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, điều người dân mong mỏi đó là Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”, để khi tăng lương, chất lượng cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tăng tương ứng. 

Về lâu dài, dù mức lương cơ sở dành cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng, nhưng thực chất mức lương của công chức hiện nay vẫn chưa theo kịp mức lương tối thiểu vùng; đặc biệt chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương của khu vực công và khu vực tư. Nói điều này để thấy, việc cải cách chính sách tiền lương không thể chậm trễ, để bảo đảm tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và gia đình người hưởng lương.

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương (vào các năm: 1960, 1985, 1993, 2003) nhưng hiện nay có thể thấy, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Hiện nay, nước ta đang nỗ lực cải cách chính sách tiền lương với nhiều chính sách mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; trong đó sẽ áp dụng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Đây cũng là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng cán bộ, công chức có năng lực nhưng nhận được lương thấp; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc, chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư.


VŨ DUNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/som-tang-luong-de-khac-phuc-tinh-trang-cong-chuc-nghi-viec-709491

  • Từ khóa