Giá nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh

Thứ 2, 02.10.2023 | 14:23:42
563 lượt xem

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt tuần vừa qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức giảm mạnh đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,44% xuống 2.278 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.600 tỷ đồng mỗi phiên.

Lực bán chủ yếu đến từ các mặt hàng nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Trong khi đó, đà tăng của nhóm năng lượng và kim loại đã góp phần hạn chế mức giảm chung của toàn thị trường.

Giá nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh ảnh 1

Giá dầu đậu tương, lúa mì ‘lao dốc’ 6%

Chốt tuần 25-30/9, trên thị trường nông sản, ngoại trừ mức tăng 0,54% của gạo thô, tất cả các mặt hàng còn lại đều đóng cửa tuần giao dịch 25-30/9 trong sắc đỏ. Cả ba mặt hàng họ đậu đồng loạt giảm giá.

MXV cho biết, đà giảm của giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 đã tiếp tục được nối dài và khiến giá chạm mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua. Sau 4/5 phiên giằng co, thị trường đậu tương chịu áp lực bán mạnh mẽ trong ngày cuối tuần trước tác động của các số liệu gây bất ngờ trong Báo cáo tồn kho ngũ cốc (Grain Stocks) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Cụ thể, USDA đã nâng ước tính năng suất trung bình của đậu tương Mỹ niên vụ 22/23 lên mức 49,6 giạ/mẫu so với báo cáo đầu tháng 9. Theo đó, việc tồn kho đậu tương Mỹ tính đến hết ngày 1/9 đạt mức 268 triệu giạ, cao hơn mức ước tính 250 triệu giạ trước đó và cao hơn mức kỳ vọng của thị trường. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá đậu tương sụt giảm mạnh trong tuần trước.

Về nguồn cung tại Nam Mỹ, Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho biết xuất khẩu đậu tương tính đến ngày 26/9 đã vượt qua lượng xuất khẩu của mặt hàng này trong cả tháng 9 năm ngoái. Nhờ vụ thu hoạch kỷ lục trong năm nay, Brazil đã liên tục gia tăng xuất khẩu khi mà trung bình mỗi ngày nước này bán 321.300 tấn đậu tương. Tình hình xuất khẩu tại Brazil vẫn đang diễn ra tích cực cũng là yếu tố đè nặng lên giá đậu tương CBOT trong tuần vừa rồi.

MXV nhận định trong tuần này, thông tin về tình hình gieo trồng mùa vụ mới tại Nam Mỹ sẽ tiếp tục được cập nhật và tác động mạnh mẽ đến giá của mặt hàng này.

Tương tự như đậu tương, khô đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tuần giao dịch vừa rồi với mức sụt giảm hơn 1%, đồng thời ghi nhận tuần thứ ba liên tiếp kết tuần trong sắc đỏ. Trong khi đó, dầu đậu tương là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất trong nhóm họ đậu khi lao dốc 6,36%.

Triển vọng nhu cầu tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, là yếu tố gián tiếp gây sức ép lên giá của mặt hàng này trong tuần trước. Cụ thể, tồn kho dầu ăn tại Ấn Độ được dự kiến sẽ tăng lên mức 3,37 triệu tấn vào ngày 1/11, so với mức 2,46 triệu tấn một năm trước. Theo đó, nhập khẩu dầu ăn của Ấn Độ trong niên vụ mới có thể sẽ giảm xuống 15,8 triệu tấn, so với mức 16,6 triệu tấn trong năm nay.

Giá nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh ảnh 2

Cùng chung diễn biến, với 3/5 ngày đóng cửa trong sắc đỏ, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 khép lại tuần vừa rồi với mức giảm lên tới 6,56%. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất mà giá ghi nhận kể từ cuối tháng 7. Triển vọng nguồn cung khả quan ở Mỹ là yếu tố chính giúp lý giải cho diễn biến giá tuần trước.

Báo cáo Grain Stocks cho biết tồn kho lúa mì của Mỹ tính tới ngày 1/9 đạt 1,78 tỷ giạ, cao hơn một chút so với mức 1,77 tỷ giạ dự đoán trung bình của thị trường. Trong khi đó, theo dữ liệu của báo cáo Small Grains Summary 2023, tổng sản lượng lúa mì niên vụ 23/24 của Mỹ ước đạt 1,81 tỷ giạ, cao hơn đáng kể so với mức hơn 1,72 tỷ giạ dự đoán trung bình của thị trường cũng như mức 1,73 tỷ giạ ước tính của USDA trong báo cáo cung cầu tháng 9. Việc hai số liệu trên cao hơn kỳ vọng đã gây áp lực lớn lên giá lúa mì.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ về cảng Cái Lân dao động quanh mức 13.650 đồng/kg đối với kỳ hạn giao 2 tháng cuối năm. Với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá giao dịch ở mức 12.850 đồng/kg. Như vậy, giá chào bán khô đậu tương đã cao hơn khoảng 150 – 250 đồng/kg so với tuần trước đó.

Giá đường giảm từ mức cao nhất 12 năm

Kết thúc tuần giao dịch 25-30/9, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục chứng kiến sự áp đảo của sắc đỏ. Đáng chú ý khi giá đường quay đầu giảm sau khi đã chạm mức cao nhất trong 12 năm.

Cụ thể, giá đường 11 giảm 2,93% trong tuần qua với 3/5 phiên mang sắc đỏ. MXV cho biết, lực bán chốt lời kết hợp cùng nguồn cung tích cực tại Brazil khiến giá không thể duy trì đà tăng sang tuần thứ 6 liên tiếp và mất đi mức giá cao nhất trong 12 năm.

Sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil trong nửa đầu tháng 9 đạt 3,12 triệu tấn, tăng 8,54% so cùng kỳ năm trước, tập đoàn công nghiệp UNICA cho biết. Như vậy, từ đầu niên vụ tới nay, tổng sản lượng đường của Brazil tăng 20% so cùng kỳ lên 26,15 triệu tấn, trong khi khối lượng ép mía tăng 10,9% lên 406,64 triệu tấn.

Tuy nhiên, lo ngại về sản lượng đường ở mức thấp tại Ấn Độ và Thái Lan, đặc biệt là nguy cơ cấm xuất khẩu đường niên vụ 2023/24 của Ấn Độ khiến lực giảm của giá đường 11 còn yếu và giá vẫn ở mức cao.

Giá nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh ảnh 4

Trên thị trường cà phê, giá Arabica tiếp tục suy yếu trong tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm 3,3% so với tham chiếu. Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil kết hợp cùng nhu cầu bán hàng gia tăng của nông dân nước này đã gây sức ép lên giá.

Lượng mưa đã bổ sung cho vùng trồng cà phê chính của Brazil và khu vực nắng nóng cục bộ trên 30 độ C cũng thu hẹp, giúp cây cà phê đang ra hoa phát triển tốt hơn. Điều này làm giảm lo ngại năng suất cây trồng kém trong niên vụ 2024-2025 nếu khô nóng tiếp tục kéo dài.

Sự trái chiều trong quyết định điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) đã khiến tỷ giá USD/Brazil Real tăng gần 2% trong tuần qua. Chênh lệch tỷ giá ngày càng nới lỏng đã kích thích nhu cầu bán cà phê từ nông dân Brazil do thu về nhiều nội tệ hơn.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/gia-nhieu-mat-hang-nong-san-dong-loat-giam-manh-post775496.html

Theo MXV, trong tuần này, giá Arabica có thể nới tiếp đà giảm nếu xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh tại Brazil.

Ở chiều ngược lại, giá Robusta tăng nhẹ 0,04%, lên giao dịch tại mức 2.484 USD/tấn. Số liệu xuất khẩu cà phê chưa tích cực tại Việt Nam đã phần nào giảm bớt những áp lực lên giá.

Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê ước tính xuất cà phê trong tháng 9 của Việt Nam đạt 65.000 tấn, giảm mạnh 32,7% so cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm khối lượng xuất đi thấp hơn 7,3% so cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu cà phê Sumatra Robusta trong tháng 8 của Indonesia đạt 16.166 tấn, giảm gần 55,5% so với mức 36.313 tấn được vận chuyển trong cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ chính phủ nước này.

Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm nhẹ 100 đồng/kg so với ngày trước đó, được thu mua quanh mức 65.900-66.700 đồng/kg. Như vậy, so với tuần trước đó, giá cà phê trong nước đã giảm nhẹ 100-200 đồng/kg.

  • Từ khóa