Qua cơn sốt, giá gạo Việt Nam vẫn cao

Thứ 6, 06.10.2023 | 14:57:49
539 lượt xem

Giá gạo xuất khẩu đã hạ nhiệt và khó quay về đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 8-2023 khi nguồn cung trên thế giới đang dồi dào trở lại

Dù giá gạo xuất khẩu giảm song mặt bằng giá hiện tại vẫn ở mức tốt, đủ để nông dân có lợi. Trước đó, Việt Nam cũng đã kịp xuất khẩu sản lượng gạo kỷ lục trong tháng 9-2023 khi giá xuất khẩu còn cao.

Những diễn biến mới

Philippines - nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới và là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với gần 40% thị phần - vừa chính thức bỏ trần giá gạo. Nước này cũng tuyên bố giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu là 35%, trái với dự đoán có thể giảm 10% trước đó. Các doanh nghiệp (DN) Philippines do đó bắt đầu mua gạo trở lại sau thời gian tạm ngưng để chờ đợi chính sách rõ ràng.

Trong bối cảnh này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn đứng yên ở 613 USD/tấn. Còn gạo của Thái Lan và Pakistan đều giảm lần lượt 4 USD/tấn và 30 USD/tấn so với tuần trước, xuống 586 USD/tấn và 586 USD/tấn.

Theo bà Phan Mai Hương - đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo quốc tế - nguồn cung gạo thế giới đang dồi dào bởi Thái Lan vừa thu hoạch xong vụ lúa phụ. Nguồn cung gạo giá rẻ từ Pakistan cũng lớn do nước này vừa thu hoạch xong với sản lượng tốt. Trong khi đó, Việt Nam không còn nguồn cung lớn nên giá gạo giữ ở mức cao hơn các nước.

Thị trường gạo toàn cầu bắt đầu "dậy sóng" từ cuối tháng 7-2023 khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng. Tiếp đó là hàng loạt động thái siết nguồn cung của Ấn Độ như áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ (được làm chín một phần), áp giá sàn xuất khẩu gạo basmati 1.200 USD/tấn. Sau đó, Nga, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Những động thái này đã đẩy giá gạo trắng 5% tấm từ 530 USD/tấn vọt lên 643 USD/tấn vào cuối tháng 8-2023.

Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), nhìn nhận thị trường gạo hiện tại ổn định, thuận lợi cho giao thương. "Gạo là hàng hóa đặc biệt nên các chính phủ đều có biện pháp kiểm soát giá, không để bị đẩy lên quá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hơn nữa, các thị trường nhập khẩu gạo số lượng lớn đều ưu tiên giá rẻ rồi mới đến chất lượng" - ông Tài phân tích.

Qua cơn sốt, giá gạo Việt Nam vẫn cao - Ảnh 1.

Dù thị trường gạo thế giới đã qua cơn “sốt” nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch lúa tại ĐBSCL

Giá gạo sẽ đi ngang?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,61 triệu tấn gạo, tương đương 3,66 tỉ USD - tăng 23,1% về khối lượng và tăng 40,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 9, cả nước xuất khẩu 800.000 tấn gạo, đạt giá trị 495 triệu USD; đơn giá xuất khẩu bình quân 618 USD/tấn - mức kỷ lục trong hơn 10 năm qua.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu gạo đạt 3 tỉ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2022. Do tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, Việt Nam chuyển từ nhập khẩu số lượng lớn gạo khô của nước này để phục vụ chế biến sang sử dụng nguồn cung nội địa. Điều này cho thấy chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội khi thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới biến động.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự báo giá gạo thời gian tới sẽ đi ngang, xoay quanh 600 USD/tấn. So với nhiều năm trước, đây vẫn là mức giá tốt cho nông dân.

"Năm nay, nông dân được hưởng lợi về giá gạo. Ngược lại, nhiều DN gặp khó trong giai đoạn giá xuất khẩu tăng mạnh bởi nhà cung ứng không giao hàng. DN phải trả thêm tiền để được giao hàng với những hợp đồng đã ký với giá cũ. Ngoài ra, chi phí vốn lớn, lãi suất cao cũng khiến nhiều DN không có lãi" - ông Nam nhận xét.

Với riêng thị trường Philippines, bà Mai Hương cho rằng gạo Việt Nam có ưu thế là chủng loại phù hợp với nhu cầu nên không lo ngại phải cạnh tranh với các nguồn cung giá rẻ hơn. Trong năm nay, dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao. Bà Hương khuyến cáo nông dân theo dõi thông tin để tránh bị thương lái ép giá.

"Sau khi xuất khẩu hơn 6,6 triệu tấn từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng còn lại chỉ khoảng 400.000-450.000 tấn/tháng, không gây áp lực tiêu thụ cho DN" - bà Hương nhận định. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/qua-con-sot-gia-gao-viet-nam-van-cao-20231005214732402.htm

  • Từ khóa